leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời ra mắt trên Lễ đài “Ngày Độc lập”. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản 
 
Buổi lễ lịch sử

Khi buổi Lễ chính thức bắt đầu, ông Nguyễn Hữu Đang - Trưởng ban tổ chức “Ngày Độc lập” đứng trước máy truyền thanh đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là 15 vị Bộ trưởng trong Chính phủ do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Những chiến sĩ cách mạng mà nhân dân đã nghe tên từ lâu như: ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, ông Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Chu Văn Tấn - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng thời, trong Chính phủ cũng có nhiều nhà trí thức sáng danh như: cụ Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Cứu tế, luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, luật sư Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, kỹ sư Đào Trọng Kim - Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính, cử nhân luật Dương Đức Hiền - Bộ trưởng Bộ Thanh niên… 

Ông Đang lui xuống, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời đứng lên, đọc lời Tuyên ngôn Độc lập. Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ đó, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. 

Tuyên ngôn Độc lập có 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu. Văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý này ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới. 

Tiếp đến là cuộc tuyên thệ của Chính phủ. Đứng trước lá Quốc kỳ, đứng trước quốc dân, các thành viên Chính phủ Lâm thời bỏ mũ, đứng thẳng người, thề rằng sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.

leftcenterrightdel
Vua Bảo Đại là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu  

Chính phủ tuyên thệ xong, ông Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đứng lên đọc diễn văn trình bày về tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ Lâm thời. Ông nhấn mạnh: “Một Chính phủ Lâm thời có đại biểu của đủ các giới tham dự đã thay cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng mà Quốc dân Đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã cử ra. Chính phủ Lâm thời bây giờ là ý chí của toàn quốc chứ không phải là ý chí của một tổ chức chính trị nào”. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết rằng: “Chính phủ Lâm thời sẽ ra sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do nhân dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức”. 

“Thế thì thoái vị cũng đáng”

Tiếp đến, ông Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, Trưởng phái đoàn Chính phủ đã trình ra với quốc dân chiếc ấn quốc bảo và thanh kiếm bằng vàng mà vua Bảo Đại đã trao lại. Đó là dấu chấm hết của vương quyền. Chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế sụp đổ. Từ nay, chủ quyền trong nước đã được trao vào tay Chính phủ của nhân dân. 

Trước đó, ngày 27/8/1945, phái đoàn Chính phủ Lâm thời từ Hà Nội vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Phái đoàn gồm 3 thành viên: ông Trần Huy Liệu, ông Nguyễn Lương Bằng và ông Cù Huy Cận. Trưởng đoàn là ông Trần Huy Liệu. 

Ông Trần Huy Liệu nói: “Hôm 30/8, thay mặt Chính phủ Lâm thời, chúng tôi nhận sự thoái vị của ông Vĩnh Thụy và nhận quốc quyền của ông giao trả lại cho nhân dân Việt Nam. Thế là, nước Việt Nam đã trở nên nước Cộng hòa Dân chủ, một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà”. 

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền công bố trước nhân dân Thủ đô Hà Nội: “Về phần ông Vĩnh Thụy, sau khi thoái vị đã trở nên một trong những người công dân trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chúng tôi còn mong ông lấy tư cách là một công dân của nước, đem hết công sức để đóng góp vào công cuộc độc lập và dân quyền của nước nhà, thì theo lời mời của Chính phủ, ông đã nhận làm một trong những người Cố vấn của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa”. 

Trước đó, cựu hoàng nhận được từ ông Tôn Quang Phiệt - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chuyển đến một bức điện khẩn có nội dung ngắn gọn: “Chính phủ Lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết để ông Cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất. Ký tên: Hồ Chí Minh”. Ông Vĩnh Thụy nhận lời ra Hà Nội. 

leftcenterrightdel
Người dân đổ ra các con phố để đón mừng “Tết Độc lập” đầu tiên. Ảnh: Tư liệu 

Hồi 5 giờ sáng ngày 2/9, hai ngày sau lễ thoái vị, công dân Vĩnh Thuỵ rời Huế ra Hà Nội. Hơn một tuần sau, ngày 10/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL chính thức cử ông Vĩnh Thụy giữ chức vụ Cố vấn của Chính phủ. 

Chặng đường sáu trăm cây số ra Hà Nội đã được thực hiện trên hai chiếc xe tiện nghi nhất lúc đó là Mercury và Packard. Xe thứ nhất chở ông Vĩnh Thụy, tháp tùng có Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến. Xe còn lại chở hoàng thân Vĩnh Cẩn. Đây là hai chiếc xe riêng của cựu hoàng. 

Bộ trưởng Lê Văn Hiến kể lại, trên đường đi, ông Vĩnh Thụy hỏi Hồ Chí Minh là ai? Bộ trưởng Lao động cho cựu hoàng biết đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Cựu hoàng tỏ vẻ hài lòng. Trước đó, khi được ông Đổng lý Văn phòng Phạm Khắc Hòe cho biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, nhà vua nhớ lại câu sấm truyền “Nam Đàn sinh thánh”. Thánh Nam Đàn đó, ông già Bến Ngự Phan Bội Châu đã nói với thanh niên trí thức Huế là Nguyễn Ái Quốc. Nhà vua đã thốt ra với ông Phạm Khắc Hòe: “Thế thì thoái vị cũng đáng” (nguyên văn tiếng Pháp câu này được ghi trong hồi ký Phạm Khắc Hòe là “Ca vaut bien le coup, alors”). 

Cuối cùng, ông Nguyễn Lương Bằng - đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, phát biểu trước quốc dân đã lưu ý: “Quyền độc lập của chúng ta hãy còn đương mong manh lắm. Giành chính quyền là một việc khó. Nhưng giữ vững chính quyền lại càng khó hơn”. Ông kêu gọi đồng bào toàn quốc hãy đoàn kết chặt chẽ để chống mọi mưu mô xâm lược. “Lúc này, ai là người yêu nước cũng có thể phụng sự Tổ quốc được hết. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức, người có tài trí giúp tài trí. Tất cả phải góp vào một hòn đá, một viên gạch, đặng xây dựng lâu đài dân tộc độc lập Việt Nam”. 

Trong hồi ký viết tay của ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), Trưởng ban tổ chức “Ngày Độc Lập” có đoạn: “Chúng tôi dừng lại mấy phút trước ấn, kiếm truyền thống của nhà Nguyễn đã được đưa đến từ lúc tám giờ. Bị tước cái oai đế nghiệp, ấn và kiếm nằm im lìm, trơ trọi trên mặt chiếc bàn con, giữa biển người sôi nổi dự mít tinh, giống như hai công thần của bộ máy cai trị phi nghĩa đã đầu hàng, bị giam lỏng, đang tủi hận nhớ thời oanh liệt, đang ngoan ngoãn chờ chốc nữa sẽ làm chứng cho sự cáo chung chẳng những của một triều đại mà của cả một chế độ xã hội già cỗi, thối nát. Rồi chúng sẽ vào nằm trong viện bảo tàng yên phận di tích, không cần đến lời thuyết minh, tự chúng thầm lặng nhắc nhở người đời cái lẽ thịnh suy, tồn vong của chính thể ở thế gian theo tất yếu lịch sử mà ngày xưa các cụ gọi bằng hai tiếng “vận hội”. Trong số mười lăm triều đại đã vong ở Việt Nam, nhà Nguyễn đã may mắn nhờ giải pháp ôn hòa, nhân đạo của lực lượng lên thay, đã vong êm đềm…”.

Kiều Mai Sơn