Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong PCTN, các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã được kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm. 
 
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016, ngày 25/1/2017 xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được chấm 33/100 điểm, tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 đã bị giữ nguyên trong 4 năm từ 2012 đến 2015. TI cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực PCTN của Nhà nước và xã hội Việt Nam...
 
Đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng còn thấp, vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác; số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng; tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu...
 
Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến bày tỏ quan điểm cũng như đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
 
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu
 
Đó là ý kiến của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Theo đại biểu Hoa, khi xử lý những vụ án tham nhũng, xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, cho dù Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, Tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu nhưng không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Báo cáo của Chính phủ đã nêu, thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp. Chúng tôi nhất trí với đánh giá này của Chính phủ và xin phân tích cụ thể như sau:
 
Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Năm 2016 tỷ lệ thu hồi mới đạt 38,3%. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này, tôi xin nêu một số nguyên nhân chính, đó là đa số các tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn. Người phạm tội thường là người có chức vụ, có trình độ học vấn chuyên môn nhất định. Vì vậy, việc phạm tội thường có sự chuẩn bị kỹ càng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và tài sản do phạm tội thường được che giấu kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp phần lớn khối tài sản tham nhũng đó đã được ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, hợp pháp hóa, thậm chí sử dụng phần lớn tài sản chiếm được tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn có khả năng khắc phục hậu quả. 
 
Trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn đạt hiệu quả thấp. Việc kê khai tài sản mới chỉ chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, chưa có quy định đúng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản thu nhập một cách chủ động, chưa có quy định công khai rộng rãi kết quả kê khai tài sản để người dân giám sát, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản thu nhập của người dân nói chung và người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy cơ quan nhà nước nói riêng. Ngoài ra, thói quen sử dụng công cụ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Chính những điều này đã làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng trở nên rất khó khăn. 
 
Chính vì vậy, đại biểu Hoa kiến nghị: Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng mở rộng một cách hợp lý diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản. Việc công khai bản kê khai tài sản phải thực chất hơn. Quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản thu nhập một cách chủ động.
 
Ngoài ra, qua quá trình tố tụng, khi đã xác định được khối tài sản  do hành vi phạm tội tham nhũng mà có, cần có biện pháp để kiên quyết thu hồi triệt để trả lại cho chủ sở hữu, chủ quản lý hợp pháp hoặc sung công quỹ nhà nước.
 
Trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trong khám phá, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này. Đồng thời kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, như: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn đầu quá trình giải quyết vụ án, để tránh tài sản tham nhũng có thể bị tẩu tán, tạo điều kiện cho công tác thi hành án sau này…
 
Cần công khai, minh bạch kết quả thanh, kiểm tra và công tác xử lý
 
Đối với vấn đề công khai, minh bạch việc kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), cho rằng việc kê khai chỉ hình thức chủ yếu dựa vào ý thức tự giác người kê khai, không ai kiểm tra, xác định, thẩm định, do đó rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Năm 2017 thì số người kê khai tài sản thu nhập là rất lớn trên 1 triệu người nhưng chỉ xác minh 78 người, phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Đối tượng kê khai thì rất lớn, xác minh được rất ít và chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại về quản lý dữ liệu. Nhiều vụ việc được phát hiện chủ yếu dựa vào dân tố giác hoặc qua báo chí phản ánh, cho thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng chưa cao,  hiện tượng tham  nhũng trong đời sống xã hội rất nhiều nhưng số vụ được phát hiện rất ít, cấp càng cao thì số vụ phát hiện xử lý ít hơn so với cấp dưới, trong khi cấp càng cao thì điều kiện tham nhũng nhiều hơn cấp dưới. Công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng kê khai chính là biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng vừa giúp phát hiện, xử lý những cá nhân có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng. 
 
Về công khai, minh bạch kết quả thanh kiểm tra và công tác xử lý. Theo đại biểu Linh, tình trạng ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng khi chuyển qua Cơ quan điều tra xử lý hình sự thì số vụ là rất ít, như cơ quan Thanh tra ban hành trên 154.000 quyết định nhưng chuyển qua Cơ quan điều tra chỉ 105 vụ thì chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hàng ngày rất tinh vi, nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta như Đảng ta đã nhận định.
 
Theo đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình), tham nhũng còn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực, dư luận xã hội cũng cho rằng tham nhũng xảy ra nhiều ở những người có chức, có quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi ích riêng, lợi ích nhóm, biểu hiện là tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái pháp luật vì động cơ tham nhũng. 
 
Nhóm PV