Tại TP Hồ Chí Minh, số ca phải nhập viện vì tai nạn giao thông là 1.472 ca, 303 trường hợp ẩu đả đến mức phải nhập viện điều trị. Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, số khám cấp cứu do tai nạn giao thông tại các BV trực thuộc Sở trong dịp lễ là 440 trường hợp.

 


Chiều 3/5 Sở Y tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về tình hình công tác y tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua.

Cụ thể, tại TPHCM, trong 4 ngày lễ (từ 28/4 đến 2/5) có gần 72 nghìn lượt người khám chữa bệnh, trong đó tổng số khám, cấp cứu vì tai nạn lên đến 13 nghìn trường hợp với 44 ca tử vong. Số ca TNGT chiếm tỉ lệ khá lớn với 1.472 ca, 22 ca chấn thương sọ não, 3 ca tử vong vì TNGT. Cùng với đó là 303 ca nhập viện vì ẩu đả do có tí hơi men, bốc đồng của thanh niên.

Tại Hà Nội, trong các ngày nghỉ lễ, hệ thống bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tiếp nhận gần 4.500 trường hợp nhập viện nội trú. Số khám vì cấp cứu, tai nạn là hơn 6.277, với 440 trường hợp do TNGT.

Còn tại tuyến trung ương như BV Việt Đức (Hà Nội), trong kỳ nghỉ lễ, lượt bệnh nhân khám, cấp cứu vẫn duy trì ở mức cao, 140- 160 lượt khám một ngày; trong đó gần một nửa là do tai nạn giao thông; tai nạn do đánh nhau, tai nạn sinh hoạt... Trong đó, trung bình mỗi ngày có hơn 40 ca TNGT nhập viện. Đáng lưu ý nhiều ca chấn thương sọ não nặng vì không đội mũ bảo hiểm.

Ví như trong ngày 29/4,  trong 61 ca tai nạn do giao thông nhập viện thì chấn thương sọ não chiếm tới hơn 60%, trong đó xác định chắc chắn có 4 ca do không đội mũ bảo hiểm, còn lại có nhiều ca có đội mũ bảo hiểm nhưng không đảm bảo chất lượng.

Như trường hợp thanh niên 32 tuổi ở Thái Bình được chuyển đến BV Việt Đức từ hôm 28/4 đến nay vẫn đang trong tình trạng hôn mê vì chấn thương sọ não. Các bác sĩ chưa thể đưa ra tiên lượng khả quan bởi tình trạng quá nặng. Được biết, bệnh nhân này uống rượu, đi xe máy lao vào một xe máy khác. Dù có đội mũ bảo hiểm nhưng lại là loại mũ cối thời trang nên khi ngã đập đầu xuống đường, mũ đã không bảo vệ được sọ não gây chấn thương.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, bên cạnh các ca TNGT nhập viện, kỳ nghỉ lễ này cũng ghi nhận nhiều ca đánh nhau nhập viện trong tình trạng chấn thương nghiêm trọng, phần đông có liên quan đến cồn như ngày 29/4, có 7 ca tai nạn do đánh nhau; ngày 30/4 là 10 ca.

“Những ngày bình thường toàn viện mổ nhiều nhất là 30 ca/ngày. Nhưng trong mấy ngày nghỉ lễ này, phòng mổ luôn phải hoạt động hết công suất, chủ yếu là mổ cấp cứu. Số bệnh nhân phải mổ cấp cứu thậm chí tăng gấp đôi so với ngày thường. Như trong 30/4, có 44 ca phẫu thuật các loại thì có đến 27 ca nặng, mổ lớn. Ngày 1/5 các bác sĩ phải thực hiện 49 ca mổ”, một bác sĩ trực cấp cứu cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, tình trạng TNGT, ẩu đả nhau phần lớn là do có hơi men bia rượu. Tai nạn xảy ra phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…

Cũng vì có tí hơi men vào nên khi xảy ra va chạm người ta dễ nổi khùng, xông vào đánh nhau gây những chấn thương nguy kịch, thậm chí tử vong. Khi say, con người ta không làm chủ được ý thức, anh em, bạn bè đánh nhau vì lời ra tiếng vào khi say rượu có thể gây những hành vi đáng tiếc, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng. Vì thế TS Quyết khuyến cáo mọi người dù vui đến mấy khi nâng chén cũng cần phải ý thức được nguy cơ say xỉn, phòng những tai nạn đáng tiếc.
 

Theo Dân trí

.