(BVPL) - Trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đã có nhiều nội dung mới, như: thể hiện quan điểm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, bổ sung dữ liệu điện tử là một loại nguồn chứng cứ, không ai có quyền buộc bị can, bị cáo đưa ra lời khai chống lại chính mình… Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS,TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương về những nội dung này.

 


Phóng viên: Theo ông, những quy định mới của Dự thảo thể hiện quan điểm về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra đã đáp ứng yêu cầu đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp hay chưa?

Ông Trần Văn Độ: Nhìn chung, tôi đồng ý với những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự. Theo các Nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cho nên những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc hai chức năng đó cần được giao triệt để cho Viện kiểm sát. Đặc biệt, theo chúng tôi, trong hai chức năng đó, cần chú trọng tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố - Chức năng duy nhất thuộc về Viện kiểm sát. Viện kiểm sát phải có trách nhiệm và vai trò chủ động tham gia vào những hoạt động tố tụng để phát hiện, điều tra và truy tố người bị nghi phạm tội ra trước Toà án.

Vì vậy, các nội dung sửa đổi, bổ sung về tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; giao cho Viện kiểm sát chủ động hơn trong việc khởi tố vụ án; đảm bảo sự có mặt của Kiểm sát viên trong một số hoạt động điều tra… đã đáp ứng yêu cầu trên của cải cách tư pháp và hoàn toàn khả thi.

Phóng viên: Trong quá trình soạn thảo, có nhiều ý kiến khác nhau về quyền không buộc đưa ra chứng cứ chống lại chính mình và quyền đọc hồ sơ của bị can, bị cáo. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Văn Độ: Bị can, bị cáo có quyền bào chữa, tức có quyền chứng minh để bác bỏ việc buộc tội đối với họ. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng là: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có trách nhiệm chứng minh cho phán quyết của mình, nếu kết tội bị cáo thì phải chứng minh cho sự kết tội đó; nếu tuyên bị cáo vô tội thì phải chứng minh cho sự vô tội đó…

Xuất phát từ quyền được suy đoán vô tội, quyền bào chữa theo Hiến pháp và chức năng bào chữa (gỡ tội) của mình, bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền tự do khai báo về các tình tiết của vụ án; kể cả tình tiết chống lại mình. Trong trường hợp này, bị can, bị cáo phải được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bị can, bị cáo cũng có quyền không khai báo để chống lại mình. Thực ra, đây là một yếu tố của quyền tự do khai báo của bị can, bị cáo; nhưng cần được nhấn mạnh để chống lại tình trạng dụ cung, ép cung, dùng nhục hình đang xảy ra không ít trong thực tiễn.

Tuy nhiên, để nhấn mạnh hơn trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong vấn đề này, theo chúng tôi, nên chăng thể hiện lại quyền này như sau: “Bị can, bị cáo có quyền tự do đưa ra lời khai, trình bày ý kiến; có quyền không khai báo để chống lại mình; có quyền không nhận tội. Không ai có quyền buộc bị can, bị cáo đưa ra lời khai chống lại mình hoặc nhận tội” (Lưu ý là nên sử dụng thuật ngữ  “buộc” như Dự thảo, chứ không nên sử dụng thuật ngữ “ép buộc” như một số đề nghị, thu hẹp phạm vi thực hiện quyền này của bị can, bị cáo).

Về quyền đọc hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo. Tôi cho rằng, bị can, bị cáo có quyền bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm bảo đảm cho họ thực hiện quyền này, trong đó có quyền đọc hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, Bộ luật cần quy định thật cụ thể hình thức (qua bản phô tô, mạng điện tử), phạm vi nội dung (đọc những nội dung gì của hồ sơ) và thời điểm (ví dụ chỉ sau khi kết thúc điều tra)… để bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

Phóng viên: Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này bổ sung dữ liệu điện tử là một loại nguồn chứng cứ. Theo ông, các quy định này đã đáp ứng yêu cầu phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay hay chưa?.

Ông Trần Văn Độ: Trong thời đại phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số và tình trạng sử dụng công nghệ cao để phạm tội thì công cụ và phương tiện chứng minh là tất yếu cần được bổ sung. Vì vậy, tôi ủng hộ bổ sung dữ liệu điện tử như là một nguồn chứng cứ để góp phần đấu tranh có hiệu quả với tình hình tội phạm trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, dữ liệu điện tử rất dễ tạo dựng, giả mạo một cách tinh vi. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự phải có quy định cụ thể, chặt chẽ về nguồn chứng cứ này, nhất là trong thu thập, bảo quản để bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của chứng cứ.

Phóng viên: Xung quanh việc đổi mới chế định chứng minh trong Dự thảo đã quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ. Đồng thời, bổ sung quy định người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập. Vậy, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Trần Văn Độ: Thực ra, trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa đã được quy định ở mức độ nhất định; người bào chữa hoàn toàn có quyền đánh giá chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án và tại phiên toà để thực hiện quyền bào chữa cho bị can, bị cáo. Tuy nhiên, nhiều quy định của Bộ luật hiện hành như khái niệm chứng cứ, trách nhiệm chứng minh, thủ tục thu thập, trình chứng cứ… đang cản trở quyền thu thập chứng cứ, chứng minh của người bào chữa; chưa bảo đảm quyền bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong quá trình tố tụng hình sự. Vì vậy, Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự lần này cần sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên để mở rộng quyền thu thập chứng cứ, chứng minh của người bào chữa để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng bình đẳng, góp phần xác định sự thật khách quan, bảo đảm cho tố tụng hình sự dân chủ, bình đẳng, hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 

Hương Thu (Thực hiện)

.