Bất lực nhìn hồ tiêu chết hàng loạt
Cây tiêu vốn mang lại nguồn lợi kinh tế cao, lại phù hợp với khí hậu cũng như đất trồng ở Thăng Bình. Năm 2014, hơn 40 hộ ở xã Bình Quế đã vay ngân hàng và dành dụm vốn liếng đầu tư để chuyển đổi kinh tế gia đình sang hướng trồng tiêu. Sau ba năm phát triển bình thường, cho hạt năng suất cao thì bỗng nhiên từ tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) tới giờ, thời tiết thất thường, hàng trăm trụ tiêu đổ bệnh.
|
|
Hàng ngàn gốc tiêu ở Thăng Bình chết vì úng rễ. |
“Trước tết, cả vườn đang xanh tốt, chúng tôi phấn khởi nghĩ đến mùa tiêu năm nay chắc chắn bội thu, nào ngờ... lá cây cứ chuyển dần sang màu vàng. Lúc đầu tôi nghĩ triệu chứng vàng lá bình thường, mua thuốc về đổ vào gốc, đổ hết mấy đợt cũng ngốn hết tiền triệu mà không thấy thay đổi gì. Cây cứ héo dần dần, mặt dưới lá hồ tiêu chết có những đốm trắng nhỏ, rễ cây bị mục nát. Đến bây giờ chỉ còn lại một nắm dây, lá màu đen bám vào trụ...”, ông Lê Văn Chút (thôn Bình Phụng, xã Bình Quế) tâm sự.
Xã Bình Quế được xem là vựa tiêu lớn của Thăng Bình với hơn 40 hộ đều đầu tư vốn vào cây trồng chủ lực là tiêu. Hộ nhiều nhất lên tới 400 – 500 trụ tiêu, hộ ít nhất cũng tầm 200 trụ. Lúc đầu, hồ tiêu chỉ chết rải rác ở một vài trụ nhưng ngay sau đó đã lan rộng ra cả vườn và tất cả những hộ lân cận đều dính bệnh. Trước tình hình đó, nông dân quanh vùng đã tìm mọi cách để cứu chữa như mua thuốc trị nấm, xới đất làm thông thoáng rễ nhưng không hiệu quả, cây chết vẫn cứ chết.
“Nhìn tiêu chết dần, lúc đầu hoảng thì cũng đi mua hết thuốc này thuốc khác về bỏ, sau đi hỏi Trung tâm kỹ thuật Nông Nghiệp huyện về kiểm tra và xác định đây là bệnh chết nhanh do nấm, tiêu “phòng là chính, trị là bỏ”, giờ thì ngồi yên, bất lực nhìn thành quả của mình đổ xuống sông, xuống biển”. Vừa ra sức đào mấy trụ tiêu đã chết ông Chút vừa nói.
Cả năm bỏ công sức ra để chăm sóc, vun xới vườn tiêu đến thời điểm sắp thu hoạch thì tiêu chết khiến người dân đắng cay, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.
Cách đây 4 năm gia đình chị Nguyễn Thanh Hương quyết định bỏ 150 triệu vốn đầu tư và mua 200 cây tiêu giống từ miền Nam về trồng, cũng chỉ hy vọng về sau thu hoạch sẽ đem lại cho gia đình một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chị cũng không khóc nổi nữa khi cả vườn tiêu của mình chết dần chết mòn.
“200 trụ tiêu mà nay chết 80 trụ rồi chưa kể đến mấy chục trụ đã có hiện tượng bệnh, chẳng mấy chốc mà mất trắng cả vườn. Tiêu thì chết, sổ đỏ vẫn ở trên ngân hàng, những tháng ngày sắp tới không biết lấy gì ăn chứ chưa nói đến tiền lãi”, chị Hương nghẹn ngào nói.
Cũng như ông Chút, chị Hương, vườn tiêu của anh Trương Công Hậu cũng đang bị dịch bệnh hoành hành. Ba năm trước, anh Hậu (tổ 14, thôn Bình Phụng) đã tự tay đào hố trồng nên 2 sào với 200 trụ tiêu. Nhờ đất tốt và chăm sóc cẩn thận nên 2 sào tiêu phát triển nhanh và cho vụ trái đầu tiên. Anh Hậu cho biết, bước sang tháng 5, vườn tiêu của gia đình anh cho thu hoạch. Thế nhưng hiện nay cây tiêu có triệu chứng vàng lá rồi sau đó chết. Hiện tượng này gọi là chết nhanh. Qua theo dõi, do thời tiết năm nay mưa nhiều dẫn đến thối rễ. Nhìn thân vẫn xanh, tưởng còn sống nhưng nắng lên thì bắt đầu cây tiêu khô và chết dần. Bây giờ anh cũng tranh thủ nhổ bỏ những gốc tiêu chết. Còn trái tiêu thời điểm này thì cũng chưa ăn được nên bỏ luôn.
Trước tình trạng trên, chính quyền xã cũng đã có văn bản kiến nghị huyện trợ cấp kinh phí cho các hộ dân có trụ tiêu bị bệnh. Theo Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, nguyên nhân chính là vì mưa lớn kéo dài trước đó làm một số vườn trồng tiêu không thoát nước kịp, ẩm đất đã tạo điều kiện cho một loại nấm phát triển gây ra bệnh chết nhanh ở tiêu.
Đắn đo chuyển đổi cây trồng mới
Ông Lê Văn Chút là người mạnh dạn tiên phong trồng hồ tiêu ở vùng, với diện tích và trụ tiêu lớn nhất ở Bình Quế. Ông từng có thời gian dài đi thực địa ở Tây Nguyên để tìm hiểu biện pháp kỹ thuật trồng cây hồ tiêu. Tâm huyết và kỳ vọng những gì mình làm sẽ có “trái ngọt”, thế nhưng chưa kịp mừng thì giờ đây gia đình ông đang rơi vào cảnh gần như mất trắng hơn 4 ha tiêu.
“Mất 3 năm để gây dựng cơ ngơi, vốn liếng dồn hết vào đó, đùng cái không còn gì... Tôi đang đắn đo việc chuyển đổi sang cây trồng khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cho con cái đi học”, ông Chút trầm ngâm nói đầy vẻ tiếc nuối.
Theo ông Chút, tiêu là loại cây công nghiệp, sau 2-3 năm nhân giống mới cho trái và người dân bắt đầu thu bói lứa đầu tiên. Vì mỗi năm chỉ thu hoạch một lần, nhưng năm nay cây lại bị bệnh và có nguy cơ chết hàng loạt nên gia đình ông cũng như nhiều hộ xung quanh vùng đang rơi vào thế bí.
|
|
Nông dân khóc ròng vì tiêu chưa hồi vốn đã chết hàng loạt không thể phục hồi trong khi nợ ngân hàng xiết chặt. |
“Cây bị bệnh do nấm, giờ có trồng lại thì vi khuẩn trong đất vẫn còn tồn tại, phải mất một thời gian dài mới có thể cải tạo lại đất để trồng. Dân chúng tôi dựa vào vườn tiêu làm thu nhập chính, tiêu mất trắng nên để gây dựng lại nữa e rằng kham không nổi. Tôi đang ươm mấy trăm thân thanh long giống đỏ để trồng vào những hồ tiêu vừa bị chết” nói về hướng đi sắp tới, ông Chút giãi bày.
Qua tham khảo nhận thấy thị trường đang chuộng thanh long đỏ, đất ở đây cũng khá thích hợp để nhân giống, nếu được mùa, năm đầu cây cũng cho ra 1kg/cây. Giống đã ươm, bắt đầu khâu làm đất nhưng ông Chút vẫn lo về đầu ra của loại trái cây này. Bởi nếu đầu ra không ổn định, gánh nặng về kinh tế sẽ lại đeo bám và một vòng luẩn quẩn cứ thế lặp đi lặp lại. Chẳng những không thoát nghèo mà còn mang nợ...
Ngọc Huyền – Lê Tâm