(BVPL) - Ngày 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, gần 10 chương, 133 điều quy định về chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử các thành viên gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.

 


Qua đó, để có thể kết hôn, công dân phải đảm bảo các điều kiện: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự. Sau nhiều tranh luận, các đại biểu cũng thống nhất tiếp tục khẳng định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Điều 8). Đối với vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, dự thảo được thông qua quy định: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Ngoài ra người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. “Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với các quy định pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” – Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ.
 

P.V

.