Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng. Nên ở đây, tai nạn đã xảy ra do đứt ốc neo.
 
 
Đã có hàng trăm ý kiến bình luận về phân tích này, trong đó đa phần là ủng hộ, song cũng có một số ý kiến phản đối. Ngoài ra, có ý kiến đã chỉ rõ nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm này, nói chính xác ra thì không phải do đứt cáp như GS Cống phân tích, mà là do đứt ốc neo tăng đơ. 
 
Ý kiến này còn phân tích sâu thêm: “Không phải đứt dây cáp mà đứt tăng đơ. Do nhà thầu không hiểu bản chất của tăng đơ là chịu kéo nên đã dùng que hàn để thổi tạo lỗ. Quá trình hàn đã biến thép thành gang nên khả năng chịu kéo rất thấp”.
 
Và những nhận định, phân tích này có vẻ có cơ sở bởi nó hoàn toàn trùng khớp với những phân tích tại hiện trường của cơ quan chức năng. 
 
Theo tường thuật trên báo chí, tại hiện trường vụ tai nạn, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết: “Kiểm tra thực tế cho thấy cáp cầu treo là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn, tự trọng của cầu cũng có tải trọng lớn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp”. 
 
Cũng theo ông Sanh, kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng. Nên ở đây, tai nạn đã xảy ra do đứt ốc neo - chính là vị trí chịu tải yếu nhất. Ông Sanh đề xuất: Cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình vận hành và sử dụng đồng thời nên áp dụng công nghệ cảnh báo khi có quá tải và phải kiểm tra toàn bộ ốc neo với cầu treo dân sinh. 
 
Ông Trần Quốc Toản - Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng – cũng đồng tình khi cho rằng, nguyên nhân đứt ốc neo là do tăng đơ và cáp không đồng bộ. Qua khảo sát tại hiện trường không có bảo vệ tăng đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian rất dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng. 
 
Theo Dân Việt