Cùng với đó, nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người sẽ được tổ chức và nhất là tâm lý xã hội chủ quan sau thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh. Ảnh:VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo UBND TP. HCM về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn sáng nay (23/4).

Cũng theo Phó Thủ tướng, lúc có dịch, chúng ta thực hiện thông điệp 5K thuận lợi hơn nhưng khi không có dịch thì thực hiện như thế nào, ở đâu, siết khâu nào, ở mức nào, đơn giản như đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách, mức độ xử phạt vi phạm đến đâu? Giải pháp để các pháp nhân, tổ chức, cơ quan thực hiện nghiêm túc việc tự đánh giá định kỳ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cập nhật lên bản đồ an toàn chống COVID-19 (antoancovid.vn).

Đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của TP. HCM  thời gian qua thực hiện rất tốt. Song trước nguy cơ dịch bệnh rất cao khi số ca nhiễm mới tăng cao ở khu vực châu Á cũng như các nước lân cận trong khu vực, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh.

“Đường hàng không phải bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tổ chức đưa người về, cách ly tập trung an toàn và theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ người hoàn thành cách ly tập trung. Đối với tuyến biên giới trên bộ, trực tiếp nhất là các lực lượng biên phòng, công an, hệ thống chính trị các xã biên giới đã rất vất vả hơn một năm nay, đặc biệt là hiện nay khi các nước bạn có dịch.”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Không chỉ lực lượng biên phòng, công an mà chính quyền, đoàn thể ở cơ sở phải vận động nhân dân ở các xã, tỉnh biên giới và trên toàn quốc, nếu thấy người có biểu hiện hoặc từ nước ngoài về thì báo ngay cho chính quyền, lực lượng chức năng. Vì an toàn của cả nước, chúng ta phải xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Đồng thời lưu ý, tới đây, khi có các lễ hội, sự kiện tổ chức tập trung đông người, nhất định phải kiểm tra, kiên quyết xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang. “Bởi vì chúng ta không loại trừ có những trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở không bị phát hiện, nếu nhiễm bệnh mà không đeo khẩu trang khi có mặt tại các sự kiện tập trung đông người, bến xe đi lại, đầu mối giao thông thì hậu quả khôn lường.”- Phó Thủ tướng cho hay.

leftcenterrightdel
Theo báo cáo, hiện nay, quy trình khai báo y tế tại các cơ sở y tế, sân bay có phần chồng chéo, còn gây phiền hà cho người dân. Ảnh:VGP

Khai báo y tế là cần thiết, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc này phải thực hiện trên tinh thần thiết thực, liên thông cơ sở dữ liệu của ngành Y tế, công an, hàng không… không thu thập thông tin trên mức cần thiết phục vụ chống dịch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện tất cả các quy trình để bảo đảm tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn nhưng tăng được tốc độ triển khai. Ngoài lực lượng chống dịch, TP. HCM cũng cần rà soát, ưu tiên những người làm việc trong những ngành giữ “mạch máu lưu thông” của cả nước như: hàng không, vận tải, ngân hàng… tiếp xúc nhiều với người dân.

Đánh giá cao TP. HCM, Bộ Y tế rất tích cực hỗ trợ các đơn vị liên quan nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM làm việc kỹ với những đơn vị này, nếu thử nghiệm thành công thì tạo điều kiện tối đa sản xuất để sớm chủ động nguồn vaccine.

“Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta được sản xuất một loại vaccine trên quy mô rộng, không chỉ tốt cho loại vaccine đấy mà sẽ tạo điều kiện rất cần thiết cho việc nghiên cứu các loại vaccine phòng, chống những dịch bệnh trong tương lai. Chủ trương chung của Chính phủ là ủng hộ tất cả các dự án nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước, không phân biệt đơn vị của nhà nước hay tư nhân”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, tính đến nay, đã có 246 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TP. HCM (72 ca bệnh trong cộng đồng, 174 trường hợp nhập cảnh). Đã 69 ngày (kể từ 10/2/2021) TP không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Tổng số người cách ly tập trung từ đầu dịch (tính từ 23/1/2020) là 41.935 người, trong đó có 23/596 chyên gia nước ngoài.

Tại các cơ sở y tế đã thực hiện tầm soát định kỳ cho gần 30.000 nhân viên y tế, người phục vụ; trên 61.000 trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh trong cộng đồng.

Trong đợt 1, TP. HCM đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 9.155 người và dự kiến trong đợt 2 sẽ tiêm cho 57.750 người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, quy trình khai báo y tế tại các cơ sở y tế, sân bay có phần chồng chéo, còn gây phiền hà cho người dân.


Nguyễn Anh