(BVPL) - Trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định bổ sung về quyền của người bị bắt, bị giam giữ, bị can, bị cáo trong đó có quyền không phải đưa ra lời khai buộc phải nhận mình có tội, quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; và quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.  Trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.  Phóng viên báo BVPL đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Cường (ảnh bên), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Bản thân tôi và các thành viên trong UBTP tán thành với việc Dự thảo quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến”, nhưng không tán thành với việc sử dụng thuật ngữ khi quy định những người này “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” vì tạo ra nhận thức khác nhau và chưa nêu bật được mục đích, yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình. Để tạo điều kiện cho người bị buộc tội tự bào chữa, bảo vệ chính mình; tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, tôi thấy cần quy định theo hướng: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội.

PV: Về quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án được quy định trong Điều 42 và Điều 43 của Dự thảo, ông đánh giá thế nào, bởi hiện có nhiều ý kiến cho rằng quyền này chưa phù hợp với thực tế nước ta?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thực tế, khi tham vấn ý kiến thì đa số ý kiến thành viên UBTP không tán thành và cho rằng dự thảo quy định: trong trường hợp bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì họ có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, là không khả thi, không phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta hiện nay. Tôi cho rằng, khác với người bào chữa, trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, bị can đã được nhận tất cả các quyết định tố tụng liên quan đến việc buộc tội bị can, kể cả bản kết luận điều tra, bản cáo trạng tổng hợp đầy đủ các chứng cứ vụ án; vì vậy để bảo đảm tính khả thi, tránh tạo thêm thủ tục phức tạp, lãng phí không cần thiết cần quy định theo hướng: Trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa thì sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu bị can, bị cáo có yêu cầu thì họ có quyền đọc, ghi chép một số bản sao tài liệu trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án (như biên bản lời khai người làm chứng, lời khai của bị can khác trong vụ án, kết luận giám định…). Cũng cần xem xét đến trường hợp những vụ án có đông bị can, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, quy định bị can, bị cáo có quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án không khả thi, tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành.

PV: Điều 174 Dự thảo Bộ luật quy định về việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Về Dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”, xét thực tiễn cho thấy trong trường hợp phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì; còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau. Vì vậy, tôi và các thành viên UBTP không tán thành hoàn toàn với nội dung này. Theo tôi, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, đề nghị quy định theo hướng: chỉ trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

PV: Xin cảm ơn ông!
 

Trần Tâm (Thực hiện)

.