(BVPL) - Tại phiên thảo luận tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo dự luật, cấp hàm cao nhất của Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là Đại tướng.
Quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm Tướng
Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội (QH) cho rằng, đây là cấp phó của Bộ trưởng Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng. “Chức vụ giúp việc cần bố trí thấp hơn một bậc để đảm bảo thống nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói. Và cũng nêu rõ, chức vụ này khác với chức vụ Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân đã được Hiến pháp quy định là do Chủ tịch nước bổ nhiệm, có trần quân hàm đại tướng. Vì vậy, nguyên hàm cấp tướng của phó phải thấp hơn cấp trưởng một bậc. Đồng thời thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc này, Thường vụ QH đề nghị quy định cấp hàm cao nhất của chức vụ này là Thượng tướng như các Thứ trưởng khác.
Qua thảo luận, về cơ bản, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm đảm bảo hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung sửa đổi quan trọng của dự thảo.
Các ý kiến tập trung thảo luận tính hợp lý về quân hàm tướng, trần cấp tướng; quy định hàm cấp giữa cấp phó và thủ trưởng đơn vị.
Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phong thăng bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân cần bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm tướng Công an nhân dân; thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại bảy tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương.
Đối với đề xuất trong dự thảo về trần quân hàm Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là Thiếu tướng, trong khi nhiều Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chỉ là Đại tá, có đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý. Bởi Cảnh sát phòng cháy chữa cháy là công việc chuyên môn còn Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo toàn bộ trật tự, an ninh trên địa bàn.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhận định, Việt Nam là một trong số ít nước thừa nhận Công an là lực lượng vũ trang, thì phải bố trí lực lượng tương đương với quân đội, nhưng “Đảng cũng đã nghe và chia sẻ với dân nên mới có chỉ đạo chặt chẽ về số lượng tướng trong quá trình sửa hai luật”.
ĐB Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) đề nghị xác định rõ tiêu chuẩn phong tướng, với cả công an và quân đội, về phẩm chất và năng lực, cũng như thành tích, rồi ấn định số lượng trong luật để “không còn băn khoăn”.
Đề xuất quy định giáng cấp
Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, bên cạnh việc quy định phong, thăng quân hàm, chức vụ Công an nhân dân thì cũng cần đưa vào dự thảo quy định về quy trình, thủ tục giáng chức sỹ quan, chiến sỹ nếu vi phạm kỷ luật.
ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nêu thực tế ở nhiều địa phương, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn được giao diễn biến rất phức tạp. Ở nhiều địa phương, tội phạm hoành hành, liên tục có những biểu hiện vi phạm pháp luật kéo dài. Ông Nam cho rằng, sau rất nhiều vụ việc bất ổn nhưng những người đứng đầu phụ trách an ninh cho khu vực đó đều không bị xem xét trách nhiệm, không ai bị kỷ luật.
“Ở biên giới Việt - Trung, hàng lậu tràn sang như thế. Bây giờ Bộ phải về làm. Vậy công an địa phương, biên phòng địa phương và các đơn vị chức năng ở địa phương có phải chịu trách nhiệm gì không?”, ĐB Lê Nam đặt câu hỏi.
Vì thế, theo ĐB Lê Nam phải có quy định cụ thể để truy cứu trách nhiệm nếu không tình trạng buôn lậu sẽ tiếp tục xảy ra và không ngăn chặn được. Theo đó, trong Luật sĩ quan Công an nhân dân phải dành điều luật về giáng chức và giáng cấp.
Về tổ chức của Công an nhân dân, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị nâng cao vai trò, địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an xã bởi kết quả hoạt động tích cực của lực lượng này trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội thời gian qua. Theo đó, các ý kiến tán thành việc quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách ở cấp cơ sở, chịu sự chỉ đạo của Công an cấp trên; bổ sung Công an xã thuộc tổ chức của Công an nhân dân. Về vấn đề hoạt động nghĩa vụ Công an nhân dân, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ địa vị pháp lý công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân, phù hợp với Luật Nghĩa vụ Quân sự. Việc tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, cần thông qua Hội đồng tuyển chọn của địa phương.
Ngọc Đức