(BVPL) - Có 71/168 kiến nghị (chiếm 42,3%) liên quan đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn cũng như tăng cường giám sát đối với các vấn đề mang tính thời sự, mới nổi lên trong đời sống xã hội đều đã được Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, từ đó đã kịp thời đổi mới một số nội dung trong quá trình tổ chức các hoạt động này.

 


Cụ thể như việc lựa chọn các chủ đề giám sát, chủ đề chất vấn đều có quy trình, thủ tục rõ ràng minh bạch, đặc biệt đều căn cứ trên các kiến nghị mà cử tri gửi đến kỳ họp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể năm 2017, Quốc hội đã quyết định chọn chủ đề giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 02 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đây đều là những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm kiến nghị qua nhiều kỳ họp. Về việc nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, tăng thời lượng và số lượng các thành viên Chính phủ được chất vấn, tiếp thu kiến nghị cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới từ việc lựa chọn chủ đề chất vấn, phạm vi chất vấn, tăng cường tính tranh luận trong quá trình chất vấn đến việc tăng thời lượng chất vấn từ 2,5 ngày (kỳ họp thứ 2) lên 3 ngày ngay tại kỳ họp thứ 3, đồng thời tăng số lượng các thành viên Chính phủ được chất vấn thông qua việc tổ chức các phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (có quy chế trong đó quy định cụ thể việc định kỳ tổ chức chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2 lần/ năm), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn hoặc có kết luận về nội dung chất vấn để làm căn cứ giám sát việc thực hiện.

Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế thường gặp trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề nói riêng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, thống nhất, chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết  về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,…

Các hoạt động giám sát thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, về việc tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (Ban Dân nguyện); giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân (Ban Công tác đại biểu), cũng đã có nhiều đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn và mong muốn của cử tri trong việc triển khai nội dung giám sát như: tăng cường giám sát việc giải quyết đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể có tính chất phức tạp, đông người, kéo dài; giám sát việc ban hành nghị quyết và xây dựng báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh,...

Hoạt động giám sát thường xuyên khác như: giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, xem xét, thẩm tra một số báo cáo, như báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, báo cáo về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016,…, tiếp thu kiến nghị của cử tri về vấn đề này, các báo cáo thẩm tra đã rất thẳng thắn, trách nhiệm, không nể nang, né tránh để chỉ ra các khuyết điểm, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, sử dụng tài sản công; trong đó đã nêu rõ một số khoản thu không đạt chỉ tiêu được giao, chi không đúng dự toán, chưa có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn, chi thường xuyên còn lãng phí, sai chế độ,…yêu cầu Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục.

Ngoài ra, tiếp thu kiến nghị của cử tri, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát chuyên đề với 13 chủ đề có  liên quan trực tiếp đến các vấn đề mà cử tri quan tâm thuộc tất cả các lĩnh vực trong xã hội; đồng thời, tích cực tổ chức nhiều phiên giải trình về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như: “Việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế” (Ủy ban về các vấn đề xã hội); “Tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (Hội đồng Dân tộc).

Đặc biệt, trước tình trạng về hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng trong những tháng đầu năm 2017, gây bất bình trong xã hội, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã kịp thời tổ chức buổi khảo sát, làm việc với nhiều cơ quan chức năng để đánh giá “Việc chấp hành các quy định pháp luật về đấu tranh phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” trong thời gian vừa qua, qua đó hai Ủy ban chuyên môn của Quốc hội đã kiến nghị một số vấn đề cụ thể với các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả trong công tác phát hiện và xử lý các tội phạm trong lĩnh vực này.
 

Xuân Hưng

.