Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết nếu căn cứ vào quy hoạch của các ngành điện, xi măng, giấy, đạm, luyện kim, hóa chất... thì đến năm 2012 Việt Nam bắt đầu thiếu than và phải nhập khẩu từ nước ngoài.
|
Ảnh minh họa. |
Theo tính toán của TKV, chỉ tính riêng nhu cầu than cho sản xuất điện thì đến năm 2012, lượng than tiêu thụ dự kiến vào khoảng 32,5 triệu tấn, thiếu khoảng 7,9 triệu tấn so với khả năng đáp ứng của tập đoàn. Đến năm 2015, nhu cầu than cho ngành điện dự kiến vào khoảng 44 triệu tấn, thiếu khoảng 11,4 triệu tấn.
Như vậy, trong các năm 2012-2017, Việt Nam sẽ thiếu bình quân 10,8-11 triệu tấn mỗi năm. TKV cho biết sẽ bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2012. Lượng nhập dự kiến là 34 triệu tấn vào năm 2015, 114 triệu vào năm 2020 và đến năm 2025 con số này vào khoảng 228 triệu.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc TKV Trần Xuân Hòa cho biết, tập đoàn đã báo cáo Chính phủ về tình trạng mất cân đối nguồn cung nên TKV chưa thể cung cấp than trong nước cho các dự án nhiệt điện chạy than tại Vũng Áng 3, Hải Phòng 3 và ở các địa phương như Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An...
"Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ nước ngoài nhưng công việc này rất khó khăn vì hầu hết những vựa than lớn đều đã có chủ", ông Hòa nói.
Theo ông, nhu cầu sử dụng than trên thế giới tăng và giá cả cũng ngày một cao nên việc nhập khẩu than ngày một khó. Các điều khoản đàm phán mua than ngày càng khó khăn và bất lợi cho người mua, đồng thời, các nhà cung cấp luôn từ chối bán than dài hạn.
Mới đây, TKV đã ký hợp đồng nhập khẩu 3,5 triệu tấn than với hai công ty PT Berau Indonesia và Maintime Hong Kong tại Indonesia để phục vụ cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ngoài Indonesia, TKV cũng đã cử các đoàn đi khảo sát ở Australia để xúc tiến nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện.
Đồng thời TKV kiến nghị Chính phủ xem xét đưa than vào danh mục mặt hàng độc quyền nhà nước và có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nhanh sản xuất than trong nước ở vùng than Đông Bắc (Quảng Ninh - Bắc Giang), vùng than đồng bằng sông Hồng, đồng thời điều tra, nghiên cứu than thềm lục địa từ sông Hồng đến Côn Sơn.
Hồng Anh (VNE)