Mỹ tuyên bố muốn phá vòng xoáy leo thang căng thẳng biển Đông
Cập nhật lúc 23:29, Thứ tư, 24/02/2016 (GMT+7)
Trung Quốc tiếp tục gây hấn khi điều máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Lãnh đạo quân sự Mỹ cáo buộc Bắc Kinh muốn hiện thực hóa giấc mơ làm bá chủ Đông Á. (Trung Quốc, Mỹ, biển Đông, bá chủ Đông Á)
Trung Quốc tiếp tục gây hấn khi điều máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Lãnh đạo quân sự Mỹ cáo buộc Bắc Kinh muốn hiện thực hóa giấc mơ làm bá chủ Đông Á.
|
Các tháp rađa Trung Quốc xây trái phép trên đảo nhân tạo ở Biển Đông - Ảnh: CSIS |
Theo AFP, ngày 23-2 (sáng nay giờ VN), các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tình báo nước này đã quan sát thấy Trung Quốc điều máy bay chiến đấu Shenyang J-11 và Xian JH-7 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đây cũng là nơi Bắc Kinh đã ngang ngược triển khai tên lửa đất đối không HQ-9.
“Chúng tôi rất lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục đưa các hệ thống vũ khí hiện đại tới vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền này” - đại úy hải quân Darryn James, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố.
Theo đuổi bá quyền
Các chuyên gia quốc tế cho biết đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu phi pháp tới đảo Phú Lâm. Tuy nhiên hành vi này gây rất nhiều lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh.
“Câu hỏi là Trung Quốc có triển khai thường trực máy bay chiến đấu ở đảo Phú Lâm hay không” - Reuters dẫn lời chuyên gia Gregory Polling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước thượng viện hôm qua, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, tố cáo với hành vi triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm và xây các trạm rađa ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
“Rõ ràng là Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông. Chỉ có ai tin rằng trái đất hình phẳng thì mới nghĩ điều đó không phải là sự thật” - ông Harris nhấn mạnh. Ông cáo buộc Trung Quốc đang làm leo thang căng thẳng nghiêm trọng trên Biển Đông.
“Tôi tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi bá quyền ở Đông Á” - đô đốc Harris cảnh báo. Ông khẳng định sự ủng hộ đối với việc quân đội Mỹ thường xuyên tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Đô đốc Harris thừa nhận các tên lửa chống tàu DF-21 và DF-26 Trung Quốc đang phát triển có thể đe dọa các tàu sân bay Mỹ hoạt động ở châu Á. Tuy nhiên ông vẫn nhấn mạnh các tàu sân bay Mỹ có khả năng phòng thủ mạnh mẽ và “có năng lực để làm những điều cần thiết trong tình huống đó”.
Ông kêu gọi hải quân Mỹ đầu tư phát triển các loại tên lửa không đối đất thế hệ mới để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, đồng thời cho rằng Mỹ cần triển khai thêm nhiều tàu ngầm tới khu vực châu Á.
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích hành vi quân sự hóa
Theo Reuters, trước cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Washington DC hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng chỉ trích hành vi quân sự hóa Biển Đông. Ông cho rằng hành động này đã tạo ra một vòng xoáy leo thang căng thẳng.
“Chúng tôi muốn phá vỡ vòng xoáy đó. Đáng tiếc là có nhiều tên lửa, máy bay chiến đấu và súng cũng như những thứ vũ khí khác đã được đưa đến Biển Đông. Đây là mối lo ngại với tất cả những ai đi lại và phụ thuộc vào Biển Đông để thực hiện thương mại hòa bình” - ông Kerry nhấn mạnh.
Ông Kerry khẳng định Mỹ muốn Trung Quốc ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo nước này chiếm đóng và xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên ông Vương Nghị vẫn ngang ngược tuyên bố “không có vấn đề gì về tự do hàng hải” trên Biển Đông và hung hăng khẳng định các đảo trên Biển Đông “thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại và Trung Quốc có quyền bảo vệ chúng”.
Ngoại trưởng Trung Quốc lớn tiếng đổ lỗi cho Mỹ quân sự hóa Biển Đông bằng các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
Theo Tuổi trẻ
.