Hôm qua, tại cuộc họp báo, sau phiên họp thường kỳ tháng 6, lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cũng thông báo nhiều nội dung quan trọng về miễn giảm thuế, hỗ trợ thị trường bất động sản, chứng khoán.

 

Gần 13 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đã thông qua phương án do Bộ Tài chính xây dựng về miễn, giảm thuế, để trình QH trong kỳ họp cuối tháng 7.

Theo đó, Chính phủ đồng ý, cùng với việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 1 năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N), lần này mở rộng thêm đối tượng được giãn là DN sử dụng nhiều lao động. Chính phủ cũng trình QH cho phép giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những DN đã được giãn. Như vậy, các DNV&N vừa được giãn vừa được giảm 30% thuế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn giảm thuế để vượt qua khó khăn.
Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Chính phủ cũng đồng ý hỗ trợ 3 nhóm. Thứ nhất, là miễn thuế TNCN 5% từ cổ tức các loại (trừ cổ tức từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư) để công bằng với việc không thu thuế TNCN từ lãi tiết kiệm, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, kiến nghị QH miễn thuế TNCN với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán. Thứ ba, miễn thuế đối với cá nhân độc thân chịu thuế có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng. Giảm 5% cả thuế TNCN và VAT đối với cá nhân, hộ gia đình có nhà cho công nhân khu công nghiệp thuê, nhà giữ trẻ mà không tăng giá trong năm 2011. Tổng mức miễn, giảm các loại thuế này là gần 13 nghìn tỷ đồng.

Không có khả năng bong bóng bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ về diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) và đề xuất một số biện pháp quản lý, kiểm soát để thị trường này phát triển lành mạnh. Ông Nam khẳng định, khả năng đổ vỡ bong bóng BĐS là không xảy ra.

Trên cơ sở cơ cấu thị trường, số lượng giao dịch, giá cả, Bộ Xây dựng kết luận, lĩnh vực BĐS có khó khăn nhưng thị trường vẫn an toàn. Bởi hàng hoá BĐS ở nước ta quy mô còn nhỏ, tổng lượng BĐS hàng hoá chỉ chiếm 30%. 70% không đưa vào giao dịch vì người dân xây nhà để ở.

Tổng dư nợ BĐS đến cuối tháng 5- 2011 đã giảm 7% so với cuối năm 2010, chỉ chiếm hơn 9% tổng dư nợ toàn hệ thống. Giá BĐS hiện nay có giảm nhưng vẫn cao hơn đầu năm 2010, cao hơn giá thành.

Ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng không đề xuất nới lỏng tín dụng với thị trường BĐS mà Bộ chỉ kiến nghị không coi lĩnh vực BĐS là phi sản xuất. Bộ cũng đề nghị thay đổi cơ cấu dư nợ, kiểm soát dòng tiền vào đền bù, giải phóng mặt bằng vì không sinh ra sản phẩm.

 

Theo Tienphong