(BVPL) - Theo số liệu thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy, tổng số sự cố an ninh mạng được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2016 gấp hơn 4 lần so tổng sự cố an ninh mạng của cả năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố của cả năm 2014. Đến lúc này không chỉ người dùng, doanh nghiệp mà cả Chính phủ đã phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về an toàn thông tin hiện nay.
 


Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, ở khía cạnh người làm nghề, các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), chuyên gia bảo mật có thể không thấy có gì "quá lạ" quanh các vụ tấn công, sự cố an toàn thông tin vừa qua, nhưng ở khía cạnh xã hội thì đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo. "Rất nhiều lỗi bảo mật cơ bản vẫn đang tồn tại. Ví dụ, chúng tôi đến những doanh nghiệp tương đối lớn, khi rà soát hệ thống thì chỉ 1 ngày đã ra cả loạt vấn đề mà chẳng phải hacker giỏi, chỉ cần người bình thường sử dụng kỹ thuật phổ biến trên internet cũng truy cập được. Đây là vấn đề đáng lo lắng"- ông Trung cho biết.

Thực trạng là vậy nhưng nhận thức về an ninh mạng của nhiều người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp lại đang rất có vấn đề mà tựu chung lại là 3 trạng thái nhận thức cơ bản: Một là thờ ơ, coi đó không phải việc của nhà mình; Hai là coi an ninh mạng là chuyện rất phức tạp không liên quan đến mình; Ba là vấn đề phức tạp hóa thôi đóng cổng lại không giao dịch nữa. Theo các chuyên gia, cả 3 trạng thái trên đều là những trạng thái tâm lý nguy hiểm khiến cho mất an toàn thông tin trở lên nghiêm trọng hơn. Khi xã hội đang tiến dần tới kết nối vạn vật hầu hết các hoạt động đều liên quan tới kết nối  internet thì nếu không đảm bảo được về an toàn thông tin sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội mà công nghệ thông minh mang lại. Thử hình dung cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện lưới trong điều kiện giao thông tắc nghẽn sẽ thấy an toàn thông tin quan trọng đến nhường nào.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin: Với an toàn thông tin nhận thức vẫn là vấn đề số 1 “Cái đầu tiên là nhận thức vì tất cả các hệ thống của chúng ta dù có hiện đại đến đâu, dù có trang bị thế nào vẫn là do con người chúng ta vận hành cả. Chỉ cần anh nào đó trong hệ thống nhận được email nào đó mở ra là xong. Mỗi hệ thống thông tin chúng ta có bảo vệ trọng tâm, trọng điểm… chúng ta có hệ thống thông tin quan trọng không xa và hệ thống đó tập trung bảo vệ như thế nào và quan trọng nhất là chúng ta đánh giá được chính xác giá thành an toàn thông tin với cái rủi ro an toàn thông tin để chúng ta làm”.

Tới thời điểm này, sau một thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp dịch vụ điện tử, nhiều Bộ, ngành, tổ chức doanh nghiệp đã có tài sản thông tin nhất định và không có cách nào khác là phải bảo vệ khối tài sản đó. Dù việc bảo vệ tuyệt đối an toàn là khó khăn nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức bảo vệ. Bên cạnh đó là cơ chế phối hợp ứng cứu quốc gia và nhanh chóng thành lập tổ chức đủ tầm để điều phối những sự cố mang tính thảm họa. Với người dùng là tổ chức, cá nhân nếu đầu tư cho hệ thống với những ổ khóa đắt tiền nhưng lại để ổ khóa ở bậc thềm thì chức năng bảo vệ cũng trở lên vô nghĩa.
 

PV

.