(BVPL) - Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm có 6 Chương và 61 điều với tỷ lệ tán thành đạt 89,47%. Theo đó, luật không điều chỉnh việc nhà báo sử dụng mạng xã hội để đưa ý kiến của mình trái với tôn chỉ của cơ quan báo chí mà do cơ quan báo chí có thể tự quy định riêng.

 


Trong phần trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: Có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.

Về việc này, UBTVQH nhận thấy việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b khoản 2 Điều 15). Về quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 23.

Thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí bổ nhiệm Tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tờ báo. Hơn nữa, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước. Cơ quan này rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về cấp thẻ nhà báo, có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên” đối với người công tác tại cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo; đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu;... Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.

UBTVQH nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28). UBTVQH nhận thấy, thực tế hiện nay, có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, UBTVQH đề nghị được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị, căn cứ vào thực tiễn cuộc sống, dự thảo Luật cần quy định cụ thể ba loại hình hoạt động của cơ quan báo chí bao gồm: đơn vị được bao cấp toàn bộ kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp có thu và doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

UBTVQH nhận thấy, khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP  quy định cụ thể cơ chế tự chủ về tài chính đối với từng loại đơn vị sự nghiệp công bao gồm: cơ chế tự chủ hoàn toàn, một phần hoặc bao cấp toàn bộ kinh phí hoạt động như ý kiến đại biểu đã nêu.

Về ý kiến đề nghị cho phép cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, UBTVQH đã có Báo cáo số 1061/BC-UBTVQH13 giải trình trước Quốc hội, theo đó cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp, hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh. Hơn nữa, cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp có nhiều điểm khác cơ bản so với cơ chế thành lập, quản lý cơ quan báo chí. Như vậy, việc quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là không phù hợp. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định về quyền khai thác thông tin của nhà báo. UBTVQH nhận thấy, hoạt động khai thác thông tin của nhà báo bao gồm hoạt động chủ động lấy tin, bài của nhà báo và trách nhiệm của cơ quan tổ chức cung cấp thông tin cho nhà báo. Dự thảo Luật đã có một số điều quy định về vấn đề này, cụ thể là: khoản 2 Điều 13 quy định hoạt động báo chí và nhà báo được Nhà nước bảo hộ; các điểm b, c, d khoản 2 Điều 25 quy định nhà báo có quyền được khai thác và cung cấp thông tin; được đến cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phải cung cấp cho nhà báo tư liệu, tài liệu; được hoạt động báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với những người có liên quan để lấy tin, phỏng vấn. Ngoài ra, khoản 12 Điều 9 quy định cấm hành vi cản trở nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, khai thác lấy tin, bài; khoản 1 Điều 38 quy định cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho báo chí… Luật cũng còn một số điều quy định liên quan đến các hình thức khai thác thông tin của nhà báo.

Luật Báo chí (sửa đổi) quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Tiết lộ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Cũng theo Luật này, công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí như: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các tổ chức đó.

Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
 

Đức Thắng

.