Thu từ 200 đến 250 triệu đồng một trường hợp thi hộ, đường dây này còn hết sức tinh vi khi dùng photoshop sửa ảnh thí sinh sao cho giống người “đóng thế”, tập ký giả chữ ký thí sinh. Tuy nhiên, những thủ đoạn trên đã bị cơ quan an ninh điều tra lật tẩy.
|
Các đối tượng đã chỉnh sửa ảnh thí sinh cho giống “người đóng thế” |
Ngày 2/4, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 7 bị can trong đường dây thi hộ vào trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân về tội danh làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Bao đỗ 200 - 250 triệu đồng/ trường hợp
Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phượng (SN 1975, quê Hải Dương, từng bị Học viện Kỹ thuật Quân sự đuổi học, rồi lại tiếp tục thi đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân). Trong số các đồng phạm của Phượng có 3 bị can là cán bộ thuộc lực lượng vũ trang nghỉ hưu.
Theo kết luận điều tra, năm 2012, nắm bắt nhu cầu muốn cho con vào học tại các trường thuộc lực lượng vũ trang, Nguyễn Văn Phượng đã lôi kéo nhiều đối tượng tạo thành một đường dây thi hộ đại học. Trước khi mùa thi bắt đầu, Phượng trực tiếp tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên có kiến thức tốt ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Bách khoa, Xây dựng... vào đường dây này. Để chắc ăn, Phượng còn tổ chức ăn ở tập trung, bồi dưỡng kiến thức cho các thí sinh đóng thế.
Sau khi được CQĐT thông báo, trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân và Học viện ANND đã ra quyết định buộc thôi học đối với các trường hợp gian dối. Còn đối với các đối tượng thi hộ (đã xác định rõ nhân thân) do khai báo thành khẩn, tích cực giúp đỡ điều tra nên CQĐT không xem xét xử lý về mặt hình sự.
Để có “đơn hàng”, Phượng đã móc nối với các bị can Đậu Đức Hải (SN 1964, trú tại Thanh Hóa), Nguyễn Văn Bình (SN 1964), Nguyễn Tôn Doãn (SN 1955), cùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Nguyễn Thị Hòa (SN 1967, trú tại Vinh, Nghệ An), Nguyễn Thị Hương (SN 1961, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Lê Quang Báu (SN 1954, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh)... nhằm xây dựng hệ thống “cò”, tìm kiếm các gia đình có nhu cầu nhờ thi hộ.
Các đối tượng khai nhận, có khoảng 13 sinh viên tham gia vào đường dây. Theo thỏa thuận, mỗi trường hợp thi đỗ, các đối tượng thi hộ sẽ được trả công từ 60 – 100 triệu đồng.
Trong khi đó, Phượng sẽ thu của mỗi trường hợp có nhu cầu thuê người “đóng thế” từ 200 – 250 triệu đồng và phải đặt cọc trước khoảng 50 triệu đồng. Còn các đối tượng “cò” có thể “thổi giá” lên bao nhiều là tùy thuộc vào thỏa thuận với “khách hàng”. Điển hình, Lê Quang Báu đã thu 1,1 tỷ đồng của 2 trường hợp trúng tuyển ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Sửa ảnh, giả chữ ký...
Khi tìm được người nhờ thi hộ và đối tượng thi hộ, Phượng cùng đồng bọn yêu cầu gia đình các thí sinh gửi ảnh thí sinh để lựa chọn “người đóng thế”. Không chỉ tìm người có khuôn mặt giống thí sinh nhất, các đối tượng còn dùng phần mềm photoshop tạo ảnh mới vừa giống thí sinh thật vừa giống người thi hộ để gửi lại cho các gia đình dán vào hồ sơ đăng ký dự thi.
Sau khi có giấy báo thi, Phượng yêu cầu người nhà gửi giấy báo thi, chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp phổ thông của thí sinh thật để tổ chức cho các đối tượng thi hộ sử dụng.
Với sự ma mãnh của mình, Phượng còn yêu cầu các thí sinh thật không được có mặt tại địa phương vào thời gian diễn ra kỳ thi. Thậm chí, đường dây này còn gửi cả chữ viết của người thi hộ cho thí sinh thật tập viết cho giống để đối phó khi nhập học. Bằng các thủ đoạn trên, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, đường dây này đã tổ chức thi hộ trót lọt cho 5 trường hợp; năm 2013 là 14 trường hợp.
Cơ quan ANĐT xác định, đây là vụ án nghiêm trọng có tổ chức với thủ đoạn phạm tội tinh vi có sự tham gia cấu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Hành vi phạm tội của các bị can là rất nguy hiểm xâm phạm đến sự quản lý nhà nước trong các kì tuyển sinh đại học ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo. Trong vụ án này, CQĐT đã ra lệnh truy nã 2 bị can Nguyễn Như Khải (SN 1981, quê Hưng Yên) và Trần Văn Chung (SN 1983, quê Hà Nam).
Theo Tiền phong