(BVPL) - Có thể khẳng định, báo chí thời gian qua đã đóng góp rất lớn trong việc định hướng dư luận, cung cấp thông tin kịp thời đến công chúng, đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, oan sai…Song một trong những “cản trở” lớn hiện nay đối với hoạt động của báo chí chính là sự “né tránh” trả lời báo chí của cơ quan quản lý.
 


Phản ánh thực tế từ báo Thanh niên, ông Trần Thanh Bình- Phó Ban công tác bạn đọc cho hay, 9 tháng đầu năm 2013, báo tiếp nhận 950 đơn khiếu nại, làm phiếu chuyển đến cơ quan chức năng 899 đơn, nhưng công văn phản hồi từ cơ quan chức năng chỉ là 247 trường hợp. Trước thực trạng này, Báo Thanh niên đã mở chuyên mục “Cơ quan không trả lời bạn đọc” nhằm đánh động các cơ quan chức năng.

Nói về nguyên nhân thực trạng này, ông Mai Phan Lợi- Trưởng ban đại diện báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trước hết là do hệ thống pháp lý mâu thuẫn và thiếu bình đẳng. Trong khi đó, chế tài cho việc trả lời chậm không có; Các luật mới sửa đổi, soạn mới tước quyền báo chí; Xu hướng kiểm soát báo chí chặt hơn. Cụ thể, tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm Luật Báo chí lại không có điều khoản nào quy định xử lý đối với CQQLNN, tổ chức Đảng vi phạm thời hạn hoặc trách nhiệm phản hồi.

Về phía cơ quan báo chí, thực tế cho thấy, bản thân các cơ quan báo chí đã không theo sát vụ việc để nhận được hồi đáp của CQQLNN. Ông Ngô Huy Toàn- Trưởng phòng Thanh tra Báo chí- Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những biểu hiện thuộc về kỹ năng của báo chí chính là không theo sát vụ việc đến cùng, không theo dõi nên không biết tổ chức được yêu cầu có trả lời hay không, nếu họ không trả lời cũng không thực hiện các bước tiếp theo như chuyển ý kiến đến cấp cao hơn hay tiếp tục đưa lên mặt báo. Chính cách làm nửa vời này đã đẩy nhiều vụ việc mà công dân có ý kiến rơi vào quên lãng…Thêm vào đó là quan điểm của người đứng đầu Tòa báo có muốn theo sự việc đến cùng, rồi các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Nhà báo Nam Đồng cho hay, trong số 279 nhà báo được hỏi có 8% cho rằng, một số nhà báo đã sử dụng thông tin từ bạn đọc để trục lợi bằng cách bênh vực hoặc đe dọa phía bên bị tố cáo.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản- Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Ngoại trừ những thông tin được quản lý theo chế độ “Mật”, hầu hết các thông tin đều có thể cung cấp cho báo chí. Càng cởi mở, kịp thời chủ động thông tin cho báo chí càng tạo nên sự hợp tác tích cực, đáng tin cậy và góp phần khiến cho thông tin từ báo chí có tác động tích cực cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Theo ông, cần thay đổi nhận thức của người đứng đầu về việc tự nguyện, chủ động hợp tác, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Xây dựng cơ quan chuyên trách về truyền thông theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế phát ngôn, quan hệ với báo chí theo hướng cởi mở.

Còn nhóm chuyên gia của MEC cũng đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị nhằm khắc phục tình trạng CQQLNN chậm hoặc không trả lời kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí: Trước hết, bổ sung ngay chế tài đối với cơ quan, tổ chức phản hồi chậm, tiến tới xây dựng một nghị định về bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 2 Luật Báo chí; Đối với các nhà báo, cơ quan báo chí cần tăng cường chuyên môn, năng lực và đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, đối với lãnh đạo các CQQLNN, tổ chức cần thay đổi nhận thức, coi việc phản hồi công dân thông qua báo chí là “cơ hội” hơn là “nghĩa vụ”. Đối với CQQL báo chí cần tôn trọng sự thật khách quan, thực sự đóng vai trò cầu nói, thúc đẩy giải trình một cách tích cực, kiểm soát mọi can thiệp mang tính cá nhân hay “nhóm lợi ích” để mọi mâu thuẫn xã hội không tích tụ và mà được giải tỏa theo đúng quy luật.

“Lâu dài cần sửa đổi toàn diện Luật Báo chí, trong đó xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong tiếp cận thông tin, có cơ chế xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp báo phí ngay từ khâu xây dựng pháp luật đến thực thi trên thực tế. Các quy chế liên quan đến nghĩa vụ giải trình, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mà Chính phủ ban hành cần được thực hiện một cách nghiêm túc và tự giác”, ông Mai Phan Lợi đề xuất.
 

T. Dịu

.