Khu vực biển Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xin nhận chìm vật chất nạo vét cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong khoảng 6 km.

Trả lời văn bản tham vấn ý kiến của Bộ TN&MT về vị trí nhận chìm trên, tại công văn số 2155 /UBND-KT, ngày 30/5, tỉnh Bình Thuận cho biết, tại vùng biển này có Khu bảo tồn biển Hòn Cau, do đó nếu thực hiện việc nhận chìm vật chất nạo vét tại đây phải cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.

Cần thiết phải thuê chuyên gia, đơn vị tư vấn để thẩm định, đánh giá tác động một cách tổng thể của việc nhận chìm (nếu có) đối với khu vực nói chung và Khu bảo tồn Hòn Cau nói riêng, để làm cơ sở quyết định phương án giải quyết vật liệu nạo vét cho phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực và đảm bảo môi trường xung quanh.

leftcenterrightdel
Quan điểm của tỉnh Bình Thuận luôn ưu tiên chọn phương án dùng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng. 

Tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh quan điểm, luôn ưu tiên chọn phương án dùng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng, thực hiện lồng ghép vừa kết hợp san lấp mặt bằng với các phương án khác.

Trước đó, thực hiện ý kiến của Bộ TN&MT tại Văn bản số 1860/BTNMT-TCBHĐVN ngày 13/4/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư kè tạo bãi chứa vật liệu nạo vét tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt khi có chủ trương của Chính phủ.

leftcenterrightdel
Khu vực đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau 
leftcenterrightdel
và cách không xa biển Cà Ná, bờ biển nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận, nơi đang khai thác, phát triển du lịch.

Vị trí xây dựng kè để đổ vật chất nạo vét tại bờ biển thôn Vĩnh Hưng và thôn Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (phía Bắc cảng Tổng hợp Vĩnh Tân và phía Nam Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân).

Liên quan đến sự kiện, trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vào sáng ngày 5/6, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về bảo vệ môi trường ở Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về đề nghị xin nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển Hòn Cau của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

leftcenterrightdel
Với thời gian hoạt động khoảng 50 năm của các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, cần có phương án lâu dài và thích hợp để giải quyết vấn đề vật liệu nạo vét luồng lạch, cầu cảng cho tàu vận chuyển than. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: Về quan điểm, tôi nhất trí với đại biểu Cảnh và tỉnh Bình Thuận không nhận chìm ở biển mà sử dụng vật liệu nạo vét này để san lấp lấn biển. Tôi đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn phương án thay nhận chìm bằng lấn biển, để khắc phục những điểm bờ biển bị xói lở. Trong trường hợp địa phương không tìm được địa điểm lấn biển, thì với thời gian hoạt động khoảng 50 năm của nhà máy nhiệt điện, cần có phương án khác để giải quyết vấn đề vật liệu nạo vét luồng lạch, cầu cảng cho tàu vận chuyển than.

Bình Thuận hiện có hàng chục điểm bờ biển bị xâm thực ở mức độ nghiêm trọng, do triều cường. Hàng năm tại các vị trí này đều xảy ra tình trạng xói lở, gây mất đất và làm sập nhà dân, cần khắc phục khẩn cấp.

Nguyễn Huân