Hành động khánh thành hai ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam một lần nữa thể hiện tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như âm mưu quân sự hóa nhằm đe dọa các nước trong khu vực.
 


Trong đó, ngọn hải đăng Hoa Dương có hình trụ còn ngọn hải đăng Xích Qua hình nón trụ và được xây trên nền bê tông kiên cố. Cả hai ngọn hải đăng cao 50 m và có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý cùng chu kỳ phát ánh sáng nhấp nháy là 8 giây. Để phù hợp với từng yêu cầu chức năng khác nhau, phần đèn chiếu dài 4,5 m của hai ngọn hải đăng được làm từ chất liệu đồng, thép và thép hợp kim. Chúng còn được phủ kẽm và sơn chống rỉ.   

Trung Quốc biện minh rằng các công trình xây dựng trái phép của nước này trên Biển Đông không vi phạm quyền tự do hàng hải. Bởi trước đó, hôm 7/10, tờ Navy Times dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho hay Washington có thể sắp triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động này có thể diễn ra trong hai tuần tới. Tuy nhiên, kế hoạch điều động tàu đến áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc cần phải được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn.

Cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Mỹ có quyền điều động tàu thuyền và máy bay tới bất cứ vùng lãnh hải nào theo luật pháp quốc tế. Mỹ không đứng về phía nào trong các cuộc tranh chấp trên mà chỉ quan tâm đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Washington còn nhấn mạnh nước này không công nhận chủ quyền mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên một số hòn đảo nhân tạo được Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Hiện nay, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang trở thành điểm nhấn khiến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Trung không ngừng leo thang.

Trên thực tế, những công trình trái phép trên Biển Đông còn là công cụ giúp Trung Quốc hiện thực hóa âm mưu độc chiếm vùng biển chiến lược đạt giá trị thương mại 5 ngàn tỷ USD/năm. Vùng biển này còn là nơi Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Theo Bắc Kinh, sự xuất hiện của các công trình trên là nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu hộ trên biển, cứu trợ thảm họa, bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải. Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố nước này sẽ vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình khác để phục vụ hoạt động trên biển của tàu thuyền các nước trong khu vực.  

Hôm 10/10, tờ Inquirer (Philippines) đưa tin Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận thông tin Trung Quốc đã khai trương hai ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam song chưa đưa ra lời bình luận.

Phần lớn những hòn đảo hoang sơ, đảo đá và đảo san hô trên Biển Đông được cho chứa nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Đây là nguyên nhân chính khiến trong hơn một năm qua, Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh xâm chiếm, cải tạo và xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo trái phép ngay trên những khu vực mà các quốc gia láng giềng tuyên bố chủ quyền

Âm mưu quân sự hóa

Cả Việt Nam và các bên liên quan đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại trước những dự án nạo vét, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. Khu vực này có thể được sử dụng làm căn cứ chứa máy bay quân sự, tàu chiến hải quân của Trung Quốc để uy hiếm các nước láng giềng cũng như đe dọa tự do hàng hải. Ngoài Mỹ và Philippines, các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thậm chí, Manila đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Philippines – Trung Quốc ra tòa án trọng tài của Liên Hợp Quốc song Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện. Trung Quốc còn khẳng định không công nhận bất cứ phán xét nào của tòa án quốc tế.

Lâu nay, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2 dựa trên tấm bản đồ "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" phi lý mà nước này đưa ra. "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc đã đi sát vào bờ biển của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Philippines khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố các bên về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã ký kết với các quốc gia Đông Nam Á hồi năm 2002, vốn yêu cầu các nước giữ nguyên hiện trạng trên Biển Đông.

Nội dung được hoàn thành qua tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh và Inquirer, tờ báo khổ rộng bán chạy nhất tại Philippines với 260.000 ấn bản/ngày.
 

Theo infonet

.