Sáng 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 29 để cho ý kiến về một số dự án luật đồng thời tiến hành đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là phiên họp khởi động các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XIII với mục đích cao nhất là nhằm tiếp tục tổ chức triển khai một cách có hiệu quả việc thi hành Hiến pháp 2013 thông qua nhiều dự án luật quan trọng được xem xét, cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sau kỳ họp thứ 7 vừa qua, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai tốt việc tiếp xúc cử tri, thông báo kết quả kỳ họp đến cử tri và đồng bào cả nước. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Kỳ họp, phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của đất nước.

Trong buổi làm việc đầu tiên, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật căn cước công dân.

Theo Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, dự thảo Luật Căn cước công dân đã được tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua theo hướng hoàn chỉnh lại bố cục dự thảo cho phù hợp với tên gọi, phạm vi điều chỉnh. Trong đó, dự thảo xây dựng một chương riêng về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân; gồm các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Đối với những thắc mắc liên quan đến 12 số định danh cá nhân, theo Ủy ban An ninh-Quốc phòng, đây là dãy số tự nhiên duy nhất, cấp cho mỗi công dân, đảm bảo không trùng lặp, có chứa mã đơn vị hành chính cấp tỉnh (hoặc mã quốc gia đối với người sinh ra ở nước ngoài) là nơi công dân đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân theo tinh thần Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896)…

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề liên quan đến cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề, có nên cấp căn cước công dân cho trẻ em ngay từ khi mới sinh ra, có nên duy trì giấy khai sinh và một số loại giấy tờ khác một khi đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không?

Tán thành tinh thần đổi mới quản lý dân cư theo Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai vẫn bày tỏ băn khoăn: “Có những loại thông tin là ngắn hạn, thường xuyên thay đổi, như thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… thì có nên ghi vào căn cước không?.”

Bà Mai cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần thông tin cụ thể việc ban hành Luật Căn cước công dân giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho công dân, còn những loại giấy tờ nào vẫn phải giữ; lộ trình hoàn tất cấp thẻ căn cước công dân?

Một số ý kiến cũng đề nghị xem xét lại việc ấn định dãy số gồm 12 chữ số trên thẻ căn cước công dân có thể xem xét cách đánh số sao cho giảm chi phí, tránh gây tốn kém, lãng phí. Quy định rõ việc cập nhật dữ liệu căn cước công dân phải được cập nhật trực tuyến, tránh làm theo kiểu thủ công, qua nhiều cơ quan, đơn vị chưa tận dụng được lợi thế của công nghệ thông tin.

Cho rằng, đây là dự án Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân theo tinh thần của Hiến pháp đồng thời, giảm bớt các loại giấy tờ hành chính cho công dân theo hướng đổi mới thể chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, giải trình một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn, phải dự báo được tác động từ việc áp dụng triển khai dự án Luật này. Đặc biệt, việc cập nhật dữ liệu về cá nhân cần được thực hiện ngay vào máy, tránh việc vẫn phải ban hành văn bản giấy, sau đó cập nhật thủ công.

Cũng trong buổi sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hộ tịch./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.