(BVPL) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Chính phủ ở hội trường đầu tuần này, Quốc hội (QH) tiếp tục “nóng” về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu để chống buôn lậu, lực lượng chủ công, trung tâm là quản lý thị trường phải trong sạch. Hiện tượng tiếp tay, thông đồng vẫn còn khá nhiều.

 


Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cung cấp thêm các thông tin về thực trạng và giải pháp của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại để bổ sung cho Bộ trưởng Công thương.

Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình trạng này diễn ra trên toàn cầu nhưng ở Việt Nam trầm trọng hơn và phạm vi rộng hơn.

Về các giải pháp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn chống buôn lậu, gian lận thương mại cần có 6 giải pháp, trong đó quan trọng là phải dựa vào dân, vận động dân không tiêu thụ, tiếp tay, bao che, vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Đồng thời phải có lực lượng chủ công đủ khả năng, đủ sức đề kháng mới có thể đảm bảo được vấn đề tối thiểu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hiện nay, bộ máy tham gia công tác này gồm 6 ngành là hải quan, biên phòng, quản lý thị trường, công an, thuế, cảnh sát biển. Giữa các ngành đã có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, trong đó phải đánh giá cao lực lượng chốt tại biên giới, hải đảo ngày đêm chống buôn lậu. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình vẫn còn rất nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến những giải pháp quan trọng khác là, phải xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức, người đứng đầu có chủ trương bao che hàng giả, kinh doanh trái phép. Có thái độ kiên quyết, đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục loại tội phạm này. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, cung cấp những mặt hàng đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Trước thực trạng đang diễn ra gần đây là nhiều nước sản xuất ồ ạt hàng rồi gắn mác Made in Vietnam để tiêu thụ nội địa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chống hiện tượng này. Tuy nhiên, các chế tài xử lý vi phạm còn yếu, cần phải nâng lên để đảm bảo công tác chống buôn lâu, gian lận thương mại hiệu quả hơn.

Về kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng cho biết, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý 146.028 vi phạm, thu vào ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng, tăng 19% về số vụ và 18% về số tiền nộp ngân sách so với cùng kỳ. Đã có 1.447 vụ việc được khởi tố với 12.000 đối tượng, trong đó có các vụ việc quy mô rất lớn.

Trước câu hỏi của ĐB Trần Thị Khá (đoàn Trà Vinh) và một số ĐB khác rằng, năm 2014 giảm được bao nhiêu phần trăm buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa với QH, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ quyết liệt hơn, làm hết sức mình hơn để ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt là trong năm 2015.

Còn ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) lại đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công thương, mặc dù Bộ trưởng đã có giải trình về thực trạng chống buôn lậu, nhưng cử tri vẫn quan tâm: Chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, Thủ tướng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xử lý nghiêm kẻ tiếp tay, bao che cho buôn lậu, địa bàn nào xảy ra buôn lậu thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng: “Cụm từ “phải chịu trách nhiệm” là  quá chung chung, cần phải được cụ thể hoá. Vì hầu như chưa có ai bị cách chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu. Trước thực trạng đội ngũ chống buôn lậu thì nhiều tầng lớp nhưng “con voi chui lọt lỗ kim”, đề nghị Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm bao nhiêu trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng buôn lậu?”.

ĐB Cường cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra quan điểm về việc cần quy định tiêu chí đánh giá thực trạng buôn lậu, quy định mức độ cụ thể đối với việc để xảy ra tình trạng buôn lậu.

Giải trình trước QH về vấn đề nhức nhối này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay về tình trạng buôn lậu, Bộ Công thương chỉ là cơ quan phối hợp trong mảng quản lý thị trường (QLTT). “Chúng tôi chỉ là quản lý ở Trung ương, còn hệ thống QLTT trực thuộc các địa phương cho nên trách nhiệm của chúng tôi chỉ là nếu phát hiện sai phạm thì có cái liên hệ, đề nghị chính quyền địa phương xem xét xử lý kỷ luật các cán bộ quản lý thị trường vi phạm” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết. Theo Bộ trưởng, con số thống kê bước đầu, trong 2 năm 2012-2013 và hết tháng 8-2014, QLTT cả nước đã kỷ luật, khiển trách 25 trường hợp sai phạm, cảnh cáo 16 trường hợp và cách chức, buộc thôi việc 4 trường hợp. “Quan điểm của chúng tôi là hết sức nghiêm túc trong xử lý cán bộ vi phạm và chúng tôi cũng hy vọng các địa phương cũng đồng tình với cách xử lý này” - Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Chốt lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải thực hiện mạnh các giải pháp rút giấy phép, truy tố để ngăn chặn từng bước đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại sao cho năm tới “Những con sâu cứ lằng nhằng thế này, đất nước không cách nào phát hiện được… Buôn lậu là có thuốc phiện, súng đạn thì sao dân không thể an tâm được. Đây không phải lời hứa mà là trách nhiệm với dân, nhất là khi đất nước gặp nhiều khó khăn” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý và yêu cầu phải thống nhất lại lực lượng chủ công trong đó trung tâm là lực lượng quản lý thị trường thì mới triển khai thành công được. Đặc biệt, lực lượng này phải trong sạch, hiện tượng tiếp tay, thông đồng khá nhiều, qua các vụ bắt rồi, xử rồi mới biết được.
 

Đức Thắng

.