(BVPL) – Sau khi biết từ ngày mai, 10-11, Công an Hà Nội xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán, trao đổi nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ, hàng triệu người dân vô cùng lo lắng.
Đối với những chủ phương tiện lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt nhưng không tạm giữ phương tiện.
Để đảm bảo ATGT, Đại tá Đào Vịnh Thắng khuyến cáo người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về Luật Giao thông, các NĐ, thông tư có liên quan; đồng thuận, tạo điều kiện giúp đỡ CSGT khi làm nhiệm vụ, cũng như lên án các hành vi vi phạm.
Theo Trưởng Phòng CSGT TP Hà Nội, việc làm này là cần thiết, siết chặt lại công tác đăng ký, quản lý phương tiện; phòng ngừa hiệu quả tai nạn, ùn tắc giao thông.
Cần có thời gian
Ngày mai (10-11), NĐ 71 có hiệu lực. Tuy nhiên, phần đông người dân mới biết cách đây vài ngày, thậm chí nhiều người chỉ vừa biết chiều nay.
Anh Nguyễn Văn Tấn (Kim Giang, Thanh Xuân) bày tỏ: “Theo luật thì việc sang tên là cần thiết, nhưng quá nhanh và gấp gáp. Cần phải có thời gian cụ thể hoặc phương án hợp lý hơn".
"Xe mua mới trị giá 18 đến 25 triệu đồng, khi sang tên đổi chủ chỉ mất 500 nghìn là hợp lý. Các xe giá trị vài triệu chỉ nên thu 200 nghìn đồng. Ô tô cũng nên giảm phí sang tên đổi chủ...", anh Tấn nêu ý kiến.
Nhiều người cũng cho rằng, tâm lý người mua xe đã qua sử dụng đều muốn chuyển đổi sang tên mình để tránh những phiền phức sau này, nhưng phí quá cao nên còn ngại.
Nhiều người mua xe ở quê, làm việc ở Hà Nội, chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ cho phương tiện cũng bày tỏ mong muốn cần thời gian về quê làm các thủ tục.
Bà Hoà (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Không phải ai cũng đủ tiền mua xe mới. Có người mua xe trước đây cả chục năm, giờ làm sao tìm được chủ cũ để làm thủ tục sang tên đổi chủ?
Nhiều công nhân ở tỉnh lẻ lên Hà Nội làm thuê mua xe cũ, bây giờ bảo họ sang tên đổi chủ lại không có hộ khẩu ở Hà Nội, hoặc không có tiền để làm thủ tục.
Theo đại đa số người dân, việc thực hiện NĐ 71 là thực sự cần thiết nhưng phải có thời gian tuyên truyền để nhân dân biết và có thời gian làm thủ tục chuyển đổi.
Số liệu chưa đầy đủ của Phòng CSGT cho thấy, Công an TP Hà Nội đã đăng ký, quản lý 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459 nghìn ô tô và hơn 4,4 triệu mô tô, xe máy.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều trường hợp chủ phương tiện thực hiện mua bán xe chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định; làm thất thu thuế của Nhà nước và gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra giải quyết các vụ án hình sự, TNGT cũng như xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT.
Theo quy định, những chiếc xe này đều phải được người dân mang đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện để thực hiện đăng ký chuyển quyền sở hữu.
Nhiều trường hợp, kẻ gian lắp đặt nhiều biển số giả, hoặc sẵn sàng vứt bỏ phương tiện khi gặp tai nạn hoặc bị công an truy bắt. Đối với những vụ án có phương tiện này, quá trình điều tra của Cơ quan Công an mất rất nhiều thời gian, công sức.
Theo Tiền Phong