(BVPL) - Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTPTW), vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTPTW) đã tổ chức phiên họp lần thứ 10 để thảo luận về Báo cáo ý kiến của BCĐCCTPTW về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.


Dự thảo Báo cáo của BCĐCCTPTW về góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, nhìn chung, các ý kiến cơ bản đồng ý với nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội công bố lấy ý kiến nhân dân. Nội dung của Dự thảo đã kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, đã thể chế hóa những chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng về những vấn đề có liên quan đã được xác định trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 5 (khoá XI) về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó đã xác định rõ chế độ chính trị, bản chất nhà nước và những nội dung yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời, bảo đảm vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc.

Tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan đến nhiều nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với Đề án mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tư pháp Quốc gia cũng như việc đề nghị bổ sung chế định này trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước đề nghị, Thường trực BCĐCCTPTW tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, đồng thời đưa ra những lập luận cụ thể, thấu đáo và hợp lý đối với những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Báo cáo của BCĐCCTPTW gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về chương trình làm việc của BCĐCCTPTW trong năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý việc tập trung và khẩn trương triển khai kế hoạch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Bên cạnh đó, cần đảm bảo tiến độ các Đề án để trình BCĐCCTPTW thảo luận, cho ý kiến như đề án tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho ngành TAND và ngành KSND; đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan tư pháp; đề án chi tiết về tổ chức và hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát; đề án tổ chức lại hệ thống Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; đề án thực trạng và giải pháp chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp…
 

Văn Tình

.