Tại phiên làm việc chiều 27-7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm 27 thành viên. Như vậy, Chính Phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ nguyên cơ cấu như Chính Phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Dự thảo Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc trình bày cho biết, Chính phủ nhiệm kỳ mới gồm 27 thành viên, trong đó: 1 Thủ tướng Chính phủ, 5 Phó Thủ tướng Chính phủ (1 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), 17 Bộ trưởng các bộ, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

 

 100% đại biểu có mặt hội trường tán thành Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khoá mới
100% đại biểu có mặt hội trường tán thành Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khoá mới


Các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ quan tâm theo dõi các vấn đề: Kinh tế tổng hợp, Kinh tế ngành, Văn hóa cơ sở, Nội chính, Đối ngoại.

17 Bộ trưởng các Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.

4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng thanh tra Chính Phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua số lượng cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường.

Như vậy, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ nguyên cơ cấu như Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị nên có 1 Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nông nghiệp và nông thôn bởi cho rằng đây là lĩnh vực quan trọng.

Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình trước Quốc hội cho rằng: Thực tiễn nhiệm kỳ vừa qua, việc phân công nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cơ bản phù hợp, bao quát các lĩnh vực công tác. Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để phân công nhiệm vụ cụ thể các Phó Thủ tướng sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

“Về ý kiến đề nghị có thêm Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp và nông thôn, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền, sau quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị; và sơ kết kết luận số 104 của Trung ương Đảng”, Thủ tướng cho biết.

 

Theo Công an nhân dân

.