Chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines MH370 mất tích hồi đầu tháng Ba vừa qua có thể đã bị bắn hạ bởi một loạt đạn thật trong cuộc tập trận không quân chung giữa Mỹ và Thái Lan. 
 
 
Cuộc tìm kiếm sau đó dường như đã bị cố ý làm lệch hướng để che dấu sai sót của các nhà quân sự.
 
Kết luận trên đây đã được ông Nigel Cawthorne, người Australia, tác giả của cuốn sách đầu tiên viết về sự mất tích bí hiểm của chiếc máy bay MH370, rút ra từ việc nghiên cứu các tài liệu trên báo chí. Quyển sách này được phát hành vào ngày 19/5, nhưng một bản lược thuật tóm tắt đã được đăng trên báo The Sydney Morning Herald vào ngày 18/5. 
 
Một trong những lập luận của tác giả là dựa vào bằng chứng của ông Mike McKay, nhân viên người New Zealand trên một giàn khoan dầu ở Vịnh Thái Lan khi ông này cho biết đã nhìn thấy một chiếc máy bay chở khách bốc cháy vào lúc 1 giờ 21 (giờ địa phương). Chính vào thời điểm đó, các radar mặt đất của hàng không dân dụng bị mất tín hiệu của MH370.
 
Đó là ngày trùng khớp với các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Thái Lan với sự tham gia của các chuyên gia quân sự Trung Quốc, Nhật, Indonesia và một số nước khác. Thế giới đã không được thông tin về kết quả cuộc tập trận cũng như những khu vực cụ thể diễn ra hoạt động này.
 
Theo tác giả cuốn sách, cuộc tập trận chắc chắn phải bao gồm giả định về một cuộc giao tranh trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời có bắn đạn thật.
 
Và vì không ai muốn thấy một vụ bê bối giống như vụ Lockerbie (vụ nổ chiếc máy bay 103 của Hãng Pan America năm 1988 trên bầu trời Lockerbie, Scotland, do khủng bố Libya thực hiện), cho nên những người liên quan có lý do để im lặng trước sự việc xảy ra.
 
Một khi máy bay bị trúng đạn bất cứ loại gì, nó không thể có khả năng bay tới vùng biển Ấn độ Dương, nơi người ta đã tiến hành tìm kiếm trong nhiều tuần lễ. 
 
Tác giả cuốn sách cho rằng: "Giờ đây, tôi không nói rằng mọi việc đã diễn ra như phán đoán ở trên nhưng giả dụ một chiếc hộp đen có thể được tìm thấy thì ai có thể khẳng định đó là hộp đen của máy bay MH370?"
 
Ông Cawthorne lập luận tiếp: “Một chiếc hộp đen khác rất có thể đã được thả xuống vùng biển cách hàng nghìn dặm về phía tây thành phố Perth của Australia trong lúc có các cuộc tìm kiếm ở khu vực này. Trong bối cảnh như vậy, và với hàng núi những thông tin sai lạc được tung ra trên thế giới, tốt nhất là nên có thái độ hoài nghi đối với các sự việc.
 
Tác giả Cawthorne cũng nhấn mạnh rằng người ta đã có thể không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 nếu hãng hàng không cho hoạt động chương trình định vị máy bay với chỉ 10 USD cho một máy bay. Căn cứ vào những dữ liệu được đưa ra thì phần mềm mà Malaysia Airlines sử dụng đã lỗi thời, và theo các tuyên bố mới nhất, việc tiết kiệm một khoản tiền nhỏ nhoi để cập nhật phần mềm đó đã dẫn tới hậu quả là phải mất gần 136 triệu USD cho công cuộc tìm kiếm sau khi chiếc máy bay mất tích./.
 
Theo Vietnam+