(BVPL) - Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo hành lang pháp lý để phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế quốc dân.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
Đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn TP. Hải Phòng) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc quy định doanh nghiệp đã được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nhưng chưa được đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải đảm bảo bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định rõ Nhà nước đảm bảo bình đẳng trước pháp luật các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Theo đó, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh, hàng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Bình phân tích, thống kê cho thấy có tới 77% doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ mô hình các hộ kinh doanh. Hiện nay, có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh, do vậy việc xây dựng và luật hóa các nội dung phù hợp để tạo điều kiện khuyến khích mạnh mẽ các hộ kinh doanh này phát triển, đăng ký thành lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong phát triển doanh nghiệp.
Hơn nữa, để việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cần phải nghiên cứu kỹ, phân tích những đặc thù, khó khăn, vướng mắc, những vấn đề doanh nghiệp thực sự cần để xây dựng các nội dung hỗ trợ phù hợp hiệu quả. Hiện nay, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ những vấn đề như khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo, trình độ khoa học, công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, năng lực tiếp cận chính sách là những vấn đề cần được tập trung, quan tâm luật hóa những nội dung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đạt kết quả.
Quy định khuyến khích thành lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hoạt động đổi mới, sáng tạo, có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam), bày tỏ quan điểm đối với quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Điều 4: “Tôi tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ, gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng. Đồng thời cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy, mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là ý nghĩa xã hội rất quan trọng của việc sử dụng tiêu chí này”- đại biểu nói.
Đại biểu Hiền diễn giải, thực tế có nhiều trường hợp tổng nguồn vốn lớn hơn 20 tỷ, nhưng số lao động không đạt tới 200 người thì xếp loại doanh nghiệp nhỏ hay vừa. Điều này rất cần minh bạch vì liên quan đến chính sách thuế và tư cách tham gia dự thầu của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, dự thảo luật xác định doanh nghiệp theo ba quy mô, phân biệt rõ giữa nhỏ và siêu nhỏ nhưng hoàn toàn thiếu vắng các quy định, thể hiện rõ từng dòng hoạt động hỗ trợ gắn với từng quy mô doanh nghiệp. Thậm chí, Điều 6 luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, trong tiếp cận hỗ trợ còn bỏ quên đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ. Đại biểu Hiền cho rằng, đây là điểm yếu nhất, mờ nhất trong ý tưởng lập pháp của dự thảo Luật.
Về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đại biểu, một vấn đề rất được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đó là biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa khỏi những hậu quả do tình trạng tổ chức thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán chồng chéo. Đây là vấn đề được nhấn mạnh tại Nghị quyết 35 nhưng chưa được thể hiện trong dự thảo Luật này… Chúng ta không phủ nhận sự cần thiết của các hoạt động này nhưng bản chất các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là cắt ngang hoạt động bình thường của doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp có thể dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi, làm đình trệ sản xuất, chưa kể tới hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đang nhen nhóm trở lại như báo chí đã phản ánh rất đậm nét những tháng đầu năm.
Còn đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) lưu ý thêm, cần thiết lập một môi trường cạnh tranh và khả năng chống các khuynh hướng độc quyền và thao túng một cách hữu hiệu, tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng công nghiệp hỗ trợ và các cụm công nghiệp, tạo bước đột phá cho nền kinh tế. “Với cách tiếp cận này và qua hoạt động thực tiễn, tôi đồng thuận cao về cần thiết phải có một luật riêng cho hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế”- đại biểu Chuẩn cho hay.
Luật hóa các chính sách, hỗ trợ một cách toàn diện, đồng bộ
Dưới góc độ của cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước rất lớn, đóng góp cho giải quyết việc làm rất lớn, đóng góp cho GDP rất lớn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và giảm bất bình đẳng trong xã hội, khoảng cách giàu, nghèo, từ đó góp phần ổn định xã hội, giảm các tệ nạn, góp phần ổn định chính trị. Trong đó, đóng góp lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm: “Chúng tôi muốn nói đối với luật này chúng ta phải có tư duy mạnh mẽ hơn, mang tính đột phá hơn và tầm nhìn chiến lược hơn. Bởi vì thiết kế bộ luật này là dựa trên lợi ích tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Điều chúng ta đang mong muốn kinh tế chúng ta dựa vào đâu, sắp tới sẽ lớn mạnh như thế nào thì chúng ta phải đầu tư, phải có cơ chế, chính sách. Nếu chúng ta tư duy, ngại vấn đề không tháo bỏ được, không đột phá được thì không bao giờ hỗ trợ được doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi rất mong muốn trong cách tiếp cận, trong tư duy và nhận thức quan điểm, chúng ta nên mạnh dạn và coi đây là việc để chúng ta đột phá trong thời gian tới”.
Đối với hộ kinh doanh: Ở đây chúng ta không hỗ trợ cho các hộ kinh doanh mà chúng ta khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Bởi vì hiện nay chúng ta có 3,4 triệu hộ kinh doanh, có 2 triệu đăng ký nhưng không muốn chuyển sang làm doanh nghiệp. Bởi vì, hiện nay được khoán thuế, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không chịu sự giám sát kiểm tra, không phải thành lập kế toán trưởng rồi kế toán viên, thủ kho như hoạt động của một doanh nghiệp. Người ta rất linh hoạt và muốn ở lại hộ kinh doanh và không muốn chuyển sang hoạt động doanh nghiệp. Đây là vấn đề chúng ta khuyến khích chuyển sang hộ doanh nghiệp thì sẽ được hỗ trợ như thế này chứ không phải hỗ trợ cho hộ kinh doanh để người ta ở lại hộ kinh doanh đó.
Về tiếp cận tín dụng của ngân hàng, Bộ trưởng cho biết, đây không phải là quy định cứng nhắc bắt buộc để các ngân hàng phải có tỷ lệ bao nhiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp mà là khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và thủ tục dễ dàng để cho người ta tiếp cận. Nếu các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy thì sẽ được nhà nước hỗ trợ lại tức là được cấp bù lãi suất.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận các mặt bằng sản xuất. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện nay không lấp đầy nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thì rất khó bởi vì người ta không muốn chia nhỏ hạ tầng đã đầu tư. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ thuê mấy trăm mét mà người ta đã đầu tư hạ tầng như thế nên người ta không muốn. Đây là một hình thức khuyến khích các doanh nghiệp hạ tầng dành quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê và nhà nước sẽ hỗ trợ lại… Nếu chúng ta làm được như vậy vừa hỗ trợ được cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp hạ tầng. Khi chúng ta tập trung được như vậy thì chúng ta sẽ đảm bảo cả vấn đề xử lý môi trường của các hạ tầng nói chung một cách hiệu quả hơn.
Đức Thắng