* Ngày 28/5/2015, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIII đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.

Thực tiễn cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và hoạch định chính sách.

 


Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định  hiến định.

Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Cho đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân. Đa số ý kiến đề nghị: Chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Bởi vì, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước và việc đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được.  

Một số ý kiến khác đề nghị: Cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân. Theo quan điểm này, cần phải liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.

Và phạm vi trưng cầu ý dân: Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Một số ý kiến khác cho rằng, có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì Quốc hội vẫn quyết định trưng cầu ý dân nhưng chỉ cần tổ chức trưng cầu ý dân ở khu vực đó, ví dụ như xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.

Trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Theo đó, “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”.

Về cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân, Dự thảo Luật giao trách nhiệm cụ thể cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và chỉ thành lập Tổ trưng cầu ý dân ở các khu vực bỏ phiếu biểu quyết mà không cần thiết phải thành lập thêm một cơ quan phụ trách việc tổ chức trưng cầu ý dân ở Trung ương. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội thì Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể tự mình quyết định các công việc liên quan đến việc tổ chức trưng cầu ý dân (như hướng dẫn việc xác định danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu, quyết định thời gian cụ thể trưng cầu ý dân, nội dung ghi trên phiếu trưng cầu ý dân, tổ chức việc bỏ phiếu và xác nhận kết quả kiểm phiếu để báo cáo Quốc hội…) mà không cần thiết phải thành lập thêm một Ủy ban phụ trách việc tổ chức trưng cầu ý dân ở trung ương. Tại các địa phương, do đơn vị bỏ phiếu trùng với đơn vị hành chính nên giao trách nhiệm này cho Ủy ban nhân dân các cấp và chỉ thành lập Tổ trưng cầu ý dân ở các khu vực bỏ phiếu là phù hợp.  

Trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946 nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế. Hoạt động này một mặt là quá trình thu hút và tập dượt để nhân dân thực hành dân chủ nhưng mặt khác nó cũng đòi hỏi sự nhận thức và ý thức cao từ phía người dân và xã hội, tính tích cực chính trị của cử tri trong việc tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo cần quy định trực tiếp vào từng vấn đề cụ thể và từng giai đoạn cụ thể như: Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân. Riêng đối với khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội trực tiếp giải quyết và kết quả giải quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội là kết quả cuối cùng.
 

Xuân Hưng (Tổng hợp)

.