(BVPL) - Cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam trước nỗ lực giải quyết các tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế thời gian qua.
 


Tại buổi mít tinh do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Khoa học lịch sử và Hội nghề cá TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng khẳng định, đây là bước leo thang mới hết sức nguy hiểm, bất chấp đạo lý và pháp lý của Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã nhiều lần làm “dậy sóng” biển Đông: năm 1956, Trung Quốc chiếm nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 dùng vũ lực cưỡng chế chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, năm 1998 dùng vũ lực cưỡng chế chiếm đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa, và bây giờ Trung Quốc lại một lần nữa làm biển Đông “dậy sóng”. Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 cùng nhiều tàu vũ trang, quân sự và máy bay vào vùng biển Việt Nam và hạ đặt giàn khoan này tại vị trí hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt các tàu hộ tống Trung Quốc lại rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và húc vào tàu công vụ, tàu dân sự Việt Nam gây hư hại và bị thương nhiều người. Việt Nam luôn thể hiện quan điểm chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng phía Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng các hành động gây hấn.

Đánh giá về cách ứng xử của Việt Nam trên biển Đông, Đại diện Tổ chức phi chính phủ Care the People của Ý khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất thông minh khi đã biết kết hợp tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, đặc biệt là biết kết hợp được tình hữu nghị của các dân tộc trên thế giới để cùng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Dư luận các nước trên thế giới rất tôn trọng Việt Nam vì đến bây giờ, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thể hiện một nước Việt Nam luôn yêu chuộng và mong muốn hòa bình. Nhờ đó càng tranh thủ được sự ủng hộ của các nước anh em trên thế giới. “Chúng tôi là một tổ chức phi chính phủ của Ý hoạt động ở Việt Nam đã 20 năm nay, chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình và cũng mong muốn Việt Nam có cách để thương thảo vấn đề biển Đông để không dẫn đến chiến tranh. Nhân đây, chúng tôi cũng sẽ truyền bá đến bạn bè khắp thế giới biết về Việt Nam, để họ ủng hộ Việt Nam trong cuộc thương thảo này”, vị đại diện này cho hay.

Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, Hòa thượng Thích Pháp Viên - Chùa Huyền Quang (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) khẳng định, tại Đại lễ Phật Đản Vesak vừa tổ chức tại Hà Nội với 95 quốc gia tham dự, các tín đồ, lãnh đạo Phật giáo trên thế giới cũng hết sức hoan nghênh cách ứng xử của Việt Nam. Họ kêu gọi 2 bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Hòa thượng Thích Pháp Viên nhắn nhủ: “Mình là người Việt Nam, đạo pháp gắn liền với dân tộc hơn bốn nghìn năm lịch sử, vì vậy người dân, tín đồ Phật giáo cũng như tín đồ các tôn giáo khác trong và ngoài nước phải đoàn kết lại. Sức mạnh đại đoàn kết thì không một thế lực nào có thể bẻ gãy được”.

Ông Hồ Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Trung tại TP. Đà Nẵng một lần nữa khẳng định: “Trung Quốc đang làm tổn thương quan hệ hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà trong một thời gian dài hai bên đã rất cố gắng mới đạt được. Chúng tôi muốn hòa bình trên quan điểm Việt Nam được tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
 

Thu Huệ

.