Ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, đánh giá dự án Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Ủy ban Pháp luật của QH thẩm tra. Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các cơ quan liên quan cùng dự.
Các nội dung về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quản lý quy hoạch được thiết kế với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với quy định của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ trình QH cho ý kiến về dự thảo quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội và quyết định vị trí Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia trước khi phê duyệt.
Riêng việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành là chủ trương đã có từ nhiều năm nay và đã được đề cập trong một số quyết định cá biệt của các cấp có thẩm quyền. Nhưng để thuận tiện cho quá trình triển khai, đây là lần đầu tiên vấn đề quan trọng này được đề nghị quy định trong luật.
Về quản lý dân cư, Ban soạn thảo bảo lưu việc thêm một số điều kiện chặt chẽ hơn để người tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành như: có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Dự thảo Luật cũng đề xuất 3 lĩnh vực được phạt vi phạm hành chính cao hơn gồm văn hóa, đất đai, xây dựng, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, quản lý dân cư và xử phạt vi phạm hành chính vẫn là các nội dung còn có nhiều ý kiến tranh cãi, do đó Ban soạn thảo đã đưa ra xin ý kiến UBTVQH quyết định.
Với những điểm mới này, dự thảo Luật Thủ đô được nhận xét là đã có nhiều chỉnh sửa trên tinh thần cầu thị. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, thời gian qua, Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị dự án Luật. Với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đã tham khảo kinh nghiệm, pháp luật của một số nước, tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các Bộ, ban ngành. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chỉ quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, còn đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thì lại không nêu cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt. Đây là vấn đề cần làm rõ. Ngoài ra, cũng cần đặt ra tình huống, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch chung mà QH không đồng ý, sẽ xử lý như thế nào.
Vẫn đề nghị cân nhắc thêm, song UBTVQH cũng đã thừa nhận cần quy định hạn chế nhập cư và tăng mức xử phạt cho Hà Nội. Đây chưa phải là chủ trương hoàn mỹ nên phải kèm theo các biện pháp pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến nêu trên để hoàn thiện hơn nữa dự án Luật Thủ đô. Về việc xử phạt hành chính đã được cân nhắc, thảo luận rất nhiều thông qua các hội thảo tham vấn các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học trước khi trình ra UBTVQH. Riêng việc hạn chế nhập cư nội thành là do tình trạng di cư cơ học vào các quận trung tâm quá lớn, trong khi cơ sở hạ tầng nội đô đang quá tải. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại theo đúng các định hướng lớn đã đề ra trong Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.
Theo Hà Phong / HNM