Phiên họp ngày 13/11, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại đây, Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho biết, để lựa chọn phương án thu hồi đất và thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi thu hồi đất, Đại biểu hoàn toàn đồng tình với những băn khoăn của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra là bản dự án này còn thiếu các dữ liệu tiêu chí để tính toán một cách chắc chắn, một cách chính xác quy mô đất cần thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án cần hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân một cách phù hợp nhất, cũng như chưa đánh giá một cách đầy đủ những tác động của dự án.
Cụ thể, cần phải tính toán kỹ giữa cái được và cái mất khi quy hoạch hai khu tái định cư. Theo báo cáo của dự án, ngay trong giai đoạn 2018 - 2019 thì dự án xây xong một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích 282 ha và có 4.823 lô đất, trong đó có 98% dành để tái định cư cho 4.727 hộ. Sau đó, sang giai đoạn 2019 - 2020 thì xây dựng tiếp khu tái định cư Bình Sơn với diện tích 282,79 ha và phân thành 1.539 lô đất, trong đó 30% lô đất này dành để tái định cư cho 469 hộ. Theo phương án này thì ngoài diện tích để tái định cư sẽ còn dư ra khoảng 1.166 nền đất để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới phục vụ nhu cầu người dân. Như vậy, phần tiền thu được từ phần diện tích dôi ra này chính là lợi ích của việc xây dựng hai phương án tái định cư.
Tuy nhiên thì việc quy hoạch này, Đại biểu thấy có một số điểm bất cập như sau:
Thứ nhất, đối với các vùng đang quy hoạch và đầu tư phát triển mới, giá quyền sử dụng đất trên thị trường sẽ thay đổi hàng ngày, trong khi 4.727 hộ trong khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn đã được nhận đền bù di dời xong trong giai đoạn 2018- 2019 thì 469 hộ khu Bình Sơn đến 2020 mới thực hiện di dời tái định cư và khi đó giá đất trên thị trường đã thay đổi rất nhiều. Vậy thì khi đó, chúng ta sẽ thực hiện đền bù, bồi thường cho những hộ này theo giá trên thị trường hay giá của những người đã nhận ở giai đoạn trước? Đây sẽ là những nguyên nhân gây ra những khiếu kiện khi đền bù tái định cư và cũng là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng hiện nay.
Thứ hai, tại kỳ họp thứ 3, Đại biểu cũng phát biểu kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành một sân bay quốc tế với lưu lượng từ 25 triệụ cho đến 50 triệu hành khách thì thường kéo theo sự phát triển của các trung tâm thương mại, trung tâm logistics, các trung tâm về cư trú cho những cán bộ khu vực này và như vậy nó thường phát triển thành thành phố sân bay. Sân bay quốc tế Long Thành thì quy hoạch với lưu lượng lên tới 100 triệu hành khách, cách thành phố Hồ Chí Minh 40 km, cách Biên Hòa 30 km, cách Vũng Tàu 70 km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Nước ta đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, bởi vì tỷ lệ đô thị hóa của chúng ta hiện nay chưa đạt 40%. Do vậy, chắc chắn khu vực sân bay cận Long Thành sẽ hình thành và phát triển khu vực đô thị mới theo hướng dịch vụ và các trung tâm phát triển thành một thành phố sân bay hàng ngàn ha ở khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn, Bình An.
Việc hình thành một khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành một thành phố sân bay hiện đại trong tương lai tại khu vực này. Do vậy, theo tôi chỉ nên quy hoạch một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và điều chỉnh lại các quy mô của những lô đất đã quy hoạch để tái định cư với diện tích quá lớn từ 250 - 300m2. Nhiều Đại biểu đã cho rằng, việc tái định cư những lô đất lớn như thế này là không phù hợp với điều kiện của những người dân thực hiện tái định cư ở khu vực đó. Với điều kiện đó chỉ cần một khu tái định cư là có thể đủ đảm bảo vượt quá số lượng 5.196 lô đất để phục vụ cho tái định cư 01 lần. Đồng thời, Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm xúc tiến quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ mà còn giúp cho việc hình thành một trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam bộ.
Là đại biểu của địa phương nơi có Dự án, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ: “Điều chúng tôi muốn nói ở đây là người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân ở Long Thành rất mong muốn dự án này phải sớm được thực hiện bởi vì 12 năm qua gần như là dự án “treo”.
Cũng theo Đại biểu, bên cạnh việc điều chỉnh theo những đóng góp ý kiến để cho bảo đảm tính khả thi của dự án này cao, cần nhấn mạnh đến những yếu tố để giám sát việc thực thi này. Vì chúng ta đã có quá nhiều những dự án lớn không phải là “đầu voi đuôi chuột mà là đầu chuột đuôi voi”. Tức là đưa ra thì rất đơn giản, rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng thì dự án “phình” ra ghê gớm và tạo bức xúc cho người dân, tạo ra nợ công. Do vậy, Đại biểu mong muốn bên cạnh việc tiếp thu những vấn đề hết sức cụ thể về mặt kỹ thuật, về mặt triển khai, về mặt kinh tế cũng có sự giám sát thật chặt chẽ để mang lại niềm tin cho người dân và làm cho dự án không chỉ phát huy mà chúng ta xây dựng được một công trình mới, chúng ta mang lại một niềm tin mới cho người dân.
Rất đồng tình và mong sớm thông qua nghị quyết về Báo cáo khả thi về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) có thêm điều lưu ý nữa khi đưa Dự án vào khai thác và sử dụng thì nên ưu tiên cho các hộ dân, các doanh nghiệp đã nhận tiền thu hồi đất, đã nhận tiền đền bù nhưng muốn thuê lại mặt bằng để khai thác. Đây là nguồn lực bổ sung có thể huy động ngay lập tức, hỗ trợ tài chính cho việc triển khai dự án.
“Nhân đây, tôi rất mong Bộ Giao thông Vận tải lưu ý đến việc kết nối vào cụm cảng hàng không, kết cấu hạ tầng đồng bộ và những đường như từ bến Lức - Long Thành hoặc những đoạn đường cao tốc liên quan đến kết nối vào sân bay cần được ưu tiên để khi chúng ta xây dựng xong cụm Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đồng bộ. Lúc đó, chúng ta sẽ sử dụng một cách hiệu quả nhất cụm Cảng hàng không quốc tế Long Thành” - Đại biểu cho biết thêm.
Minh Nhật