Đồng ý thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu
Cập nhật lúc 15:32, Thứ năm, 15/10/2015 (GMT+7)
Chiều 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đa số ý kiến nhất trí thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu. (điều tra, Cảnh sát , tội phạm , buôn lậu)
Chiều 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đa số ý kiến nhất trí thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.
|
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp |
Bổ sung 2 cơ quan có thẩm quyền điều tra
Cho ý kiến về một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, UBTVQH đề nghị bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân được tiến hành một số hoạt động điều tra, đồng thời không tiếp tục giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. UBTVQH cũng cho rằng, việc giao cho cơ quan Kiểm ngư thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra là đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn song không cần thiết giao nhiệm vụ tương tự cho cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về tổ chức bộ máy của cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc hợp nhất Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng với Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV và thành lập Cục CSĐT tội phạm về buôn lậu. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị giữ nguyên Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng đồng thời không tách, thành lập Cục CSĐT tội phạm về buôn lậu.
UBTVQH thấy rằng, Cục CSĐT tội phạm về buôn lậu được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu khi tội phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Do vậy, UBTVQH nhất trí quy định thành lập Cơ quan CSĐT tội phạm về buôn lậu trong dự thảo luật. UBTVQH cũng cho rằng, để khắc phục hạn chế trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng và nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ thì việc hợp nhất Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng với Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV là cần thiết.
3 biện pháp điều tra đặc biệt
Góp ý về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong sáng cùng ngày, nhiều ý kiến trong UBTVQH quan tâm đến quy định về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt tại dự thảo luật. Nhiều đại biểu tán thành với việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt song vẫn còn ý kiến đề nghị không quy định vì “nhạy cảm, phức tạp”.
Qua thảo luận, UBTVQH cho rằng, việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng. UBTVQH cho rằng, nên quy định 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Một vấn đề đáng chú ý khác là đề xuất chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo phạm tội có mức hình phạt từ 15 năm tù trở lên, tù chung thân hoặc tử hình. Một số ý kiến cho rằng, việc mở rộng trường hợp phải chỉ định người bào chữa là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, tăng cường tranh tụng. Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, cần phải xem xét, cân nhắc kỹ để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tạm giữ, tạm giam.
Theo ANTĐ
.