(BVPL) - Đây là ý kiến xung quanh Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng chuyển đổi các lâm trường quốc doanh sang công ty lâm nghiệp theo kiểu “bình cũ rượu mới” như hiện nay.
 

Việc chuyển đổi, cải tổ lâm trường quốc doanh đang có nguy cơ tích tụ tài nguyên đất rừng và tài sản công vào một số người.
Việc chuyển đổi, cải tổ lâm trường quốc doanh đang có nguy cơ tích tụ tài nguyên đất rừng và tài sản công vào một số người.


Bản chất lâm trường quốc doanh là tổ chức kinh tế Nhà nước, được giao quản lý, sử dụng một diện tích rừng khá lớn vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 28 và năm 2004, Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 200 xung quanh nội dung về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh. Tính đến nay, sau quá trình hơn 10 năm đi vào thực hiện, thực tế đã cho thấy, hai văn bản trên còn một số tồn tại, bất cập.

Trong đó, phải kể đến, nhiều công ty lâm nghiệp sau khi sắp xếp vẫn chưa có sự thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý, quản trị và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Thực hiện sắp xếp, số lượng lâm trường quốc doanh từ 256 còn 148 công ty lâm nghiệp; về cơ cấu các loại lâm nghiệp, các công ty lâm nghiệp quản lý 1.529.262 ha đất rừng sản xuất, chiếm 80,3% tổng diện tích đất lâm nghiệp; tiếp đến lần lượt là đất rừng phòng hộ là 362.221 ha, chiếm 19,01%; đất rừng đặc dụng là 13.217 ha, chiếm 0.69%. Như vậy, hầu hết các công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn quản lý một diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phân bố xen kẽ trong địa giới công ty. Hay nói cách khác, trong giai đoạn phát triển mới, việc sắp xếp và chuyển đổi lâm trường quốc doanh thành công ty lâm nghiệp không thực sự tạo ra sự khác biệt.

Thứ nhất¸ nếu tiếp tục phương thức chuyển đổi công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần Nhà nước nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên (khoản 1 Điều 11) thì thực chất quá trình này sẽ chẳng có gì thay đổi. Việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại các công ty cổ phần kinh doanh, nhất là vẫn giữ quyền quyết định về tài chính – nhân sự về phía mình, sẽ rất khó tạo ra sự chuyển biến về chất đối với tính tự chủ, chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của các công ty này.

Vẫn theo điều khoản trên, phương thức chuyển đổi được quy định chỉ áp dụng với các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng trồng: gồm các công ty có diện tích rừng trồng và đất quy hoạch trồng rừng sản xuất chiếm trên 60% tổng diện tích đất của công ty; công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh tổng hợp, bao gồm sản xuất kinh doanh rừng sản xuất là rừng trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên 60% tổng doanh thu bình quân của 3 năm liền kề năm sắp xếp. Câu hỏi đặt ra ở đây là có nhất thiết phải để Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ với các công ty quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng trồng và công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh tổng hợp hay không?

Trong khi đó, công ty thuộc khoản 2 Điều 11 chủ yếu sản xuất giống lâm nghiệp và dịch vụ nông, lâm nghiệp thì khi chuyển đổi Nhà nước lại không cần giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể không giữ cổ phần. Điều này tạo ra nghịch lý là giống và các dịch vụ kỹ thuật xưa nay vẫn được giữ vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất, cần có sự tác động của Nhà nước về quản lý, chuyển giao công nghệ mới…. thì nay lại giao toàn quyền cho các công ty tự hoạch toán.

Theo PGS. TS. Triệu Văn Hưng – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, nên đổi hai điều khoản cho nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giúp các công ty cổ phần linh hoạt, năng động hơn trong huy động các nguồn vốn, tạo ra sự thay đổi cơ bản về chất trong hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Thứ hai¸ đối với việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên tại Điều 12, tưởng chừng sẽ có sự thay đổi toàn diện về tổ chức, hoạt động do được quản trị với mô hình công ty đại chúng, có sự giám sát chặt chẽ của cổ đông nhưng không phải. Theo chuyên gia chính sách lâm nghiệp Vũ Long, rất ít công ty lâm nghiệp có điều kiện để thu hút các thành phần kinh tế khác nhau để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên bởi bản thân nó đang cần được cổ phần hóa để thu hút vốn đầu tư. Chỉ có công ty có biên giới lớn là có điều kiện là trung tâm thu hút công ty lâm nghiệp nhưng đó lại thuộc kinh tế tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Nên các đại biểu có mặt tại Hội thảo Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp đều cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này.

Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30 (tiếp nối Nghị quyết số 28) của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, đổi mới, sắp xếp công ty lâm nghiệp cần đi vào thực chất, song vẫn phải tuân thủ chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xử lý tốt mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường theo chuỗi giá trị.
 

V.Hà - Diệp Anh

.