(BVPL) - Trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), chế định chứng minh được quy định có nhiều đổi mới để phù hợp với yêu cầu tăng cường tranh tụng. Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam về vấn đề này.
Ông Trương Trọng Nghĩa: Chế định chứng minh dựa trên những quy định mới về chứng cứ, mà nổi lên là quyền thu thập chứng cứ của những người tham gia tố tụng, thể hiện tại các Điều từ 38 đến 52 của dự thảo. Đặc biệt là những người tố giác, người bị đề nghị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử và người bào chữa cũng có quyền đưa ra chứng cứ.
Để bảo đảm quyền đưa ra chứng cứ, Điều 77 của Dự thảo đã quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, cụ thể là: Khoản 2: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng, những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa”. Khoản 3: “Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.”
Dự thảo cũng quy định thêm: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật và những thông tin khác liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 cung cấp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và tiến hành kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo quy định tại Điều 81 và Điều 122 của Bộ luật này.”
Dự thảo đã sửa đổi quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ, quy định về chứng minh để tránh cách hiểu nhập nhằng giữa các chế định chứng cứ, nguồn chứng cứ và chứng minh, đồng thời để chi tiết hóa, làm rõ nội dung và thẩm quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Điều này giúp cho việc áp dụng luật của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng được rõ ràng, thuận tiện, hạn chế sai sót. Dự thảo cũng quy định chi tiết về các hành vi “thu thập vật chứng” và “xử lý vật chứng”, quy định thêm nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử và việc xử lý những dữ liệu đó.
Đáng chú ý là quy định về đánh giá chứng cứ cũng được bổ sung, sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ, khách quan hơn, cụ thể là 2 điểm bổ sung lớn sau đây:
- Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
- Người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự đổi mới này trong Dự thảo?
Ông Trương Trọng Nghĩa: Các điểm sửa đổi, bổ sung trên đây đã góp phần bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội” đối với công dân đã được quy định tại Hiến pháp, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật trong việc buộc tội và gỡ tội, và sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu oan sai trong phòng chống tội phạm nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng.
Các điểm sửa đổi, bổ sung này cũng phù hợp với tinh thần và định hướng cải cách tư pháp của các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là những quy định mới về quyền con người và về quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013. Đặc biệt, các thay đổi này cũng đáp ứng đúng các cam kết của Việt Nam đối với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phóng viên: Vậy, những đổi mới lần này có giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn đọng liên quan đến chế định chứng minh trước đây không, thưa ông ?
Ông Trương Trọng Nghĩa: Những điểm đổi mới như tôi vừa nêu chắc chắn góp phần tháo gỡ đáng kể những hạn chế, vướng mắc, tồn tại và rất bức xúc cho đến nay về quyền của người tham gia tố tụng, người bào chữa trong việc thu thập, đưa ra chứng cứ, nhất là quyền đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nói chung, những thay đổi này thể hiện nỗ lực phòng chống bức cung, mớm cung, nhục hình, phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự, đặc biệt là nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, nhằm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013. Nhân dân chắc chắn sẽ hoan nghênh các sửa đổi, bổ sung này.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Hòa (thực hiện)