(BVPL) - Đó là ý kiến của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai), về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội.
 


Trốn đóng bảo hiểm cho người lao động là có lợi cho doanh nghiệp!?


ĐB Đặng Ngọc Tùng cho biết: Qua báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế đất nước trong những năm tới nếu vận hành tốt, điều hành tốt thì khả năng phát triển tốt, do đó cần vận dụng các cơ hội để tạo điều kiện phát triển kinh tế cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Tùng cho hay: “Vừa rồi, chúng ta cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm trở lên. Do đó, chúng ta khó thực hiện được, mà đề nghị phải đa dạng hóa, có thể có 1 phần 3 năm, có 1 phần 5 năm. Cho nên, tôi hoàn toàn tán thành với đề nghị, chúng ta đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Nhưng số lượng 5 năm phải chiếm đa số, tức là phải 60-70%. Còn ngắn hạn, 3 năm, thì ít thôi, 30% trở xuống, ví dụ thế. Quan điểm của tôi hoàn toàn đồng tình.

Có cần thiết phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế hay không? Cái này, chúng ta phải thấy là nếu quốc gia nào không có uy tín, nền kinh tế nào mà người ta thấy khó phát triển thì có muốn mấy đi nữa thì phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế vẫn không thành công được. Trong những năm vừa qua, uy tín của đất nước chúng ta đang lên như thế, phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế sẽ tạo điều kiện cho chúng ta có nguồn vốn để phát triển đất nước, để có nguồn ngoại tệ lớn. Trước đây, chúng ta vay với lãi suất rất cao. Bây giờ, do uy tín của chúng ta tăng lên, khi chúng ta phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế thì lãi trả cho cái này thấp xuống so với vay. Chúng ta phát hành trái phiếu này thì phải trả lãi thấp hơn trước đây chúng ta vay. Chúng ta phát hành ra để trả nợ cũ. Tuy rằng cũng chưa đến hạn, nhưng chúng ta có quyền trả trước. Như vậy sẽ giảm lãi xuống, có lợi cho kinh tế đất nước của chúng ta. Do đó, chúng tôi hoàn toàn tán thành trong việc này”.

Ông Tùng cũng giải thích: “Khi hội nhập, luật pháp của chúng ta phải nghiêm minh. Nghiêm minh là tất cả mọi người, mọi tổ chức và mọi doanh nghiệp phải chấp hành thật tốt. Tôi mong muốn rằng, bộ phận thuế của chúng ta trong thời gian vừa rồi đã làm tốt. Có thể nói, Chi cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tôi đánh giá rất cao, khi kiểm tra một số doanh nghiệp FDI mà thường xuyên trong suốt 10 năm, 15 năm hoàn toàn lỗ, thì bây giờ các doanh nghiệp đó bắt đầu có lãi. Để tránh tình trạng chuyển giá này, đòi hỏi cán bộ thuế của chúng ta phải có kỹ năng, kinh nghiệm để tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện thật tốt. Như vậy, chúng tăng thêm một nguồn thu rất lớn từ trong các doanh nghiệp FDI này. Tôi mong rằng, tất cả các cán bộ thuế, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà trên cả nước học tập kinh nghiệm, làm sao tất cả các doanh nghiệp FDI không thể chuyển giá được.

Ông Tùng mong muốn, cố gắng làm sao trong điều hành, trong Luật Thuế đừng tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế. Mặc dù trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là vi phạm nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp nợ thuế rất nhiều năm, rồi nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động rất nhiều năm, rồi nợ lương cũng rất nhiều tháng xong rồi trốn đâu mất. Bao nhiêu thiệt hại đổ lên đầu người lao động. Chứng tỏ cấp điều hành quản lý của chúng ta chưa tốt ở khâu này.

Phải giảm chi tối đa để tăng lương

Ông Tùng đề nghị, đã nghiêm minh, đã tốt rồi thì tất cả mọi người phải chấp hành. Khi Quốc hội ban hành ra luật là mọi người phải chấp hành. “Tôi muốn rằng, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động, thì Điều 91 của Luật Lao động quy định rất rõ là lương tối thiểu phải đáp ứng được đời sống tối thiểu. Thế thì bây giờ, Hội đồng Tiền lương quốc gia trong năm vừa rồi họp, bàn lên, bàn xuống, quyết định của các thành viên Chính phủ trong Hội đồng Tiền lương quốc gia rất sáng suốt, cân nhắc đi cân nhắc lại, để hài hòa lợi ích của đôi bên. Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá rất cao cơ chế 3 bên của chúng ta đang thực hiện. Ở khối doanh nghiệp thực hiện được như thế này thì không có lý do gì Chính phủ lại không thực hiện. Lý do là thu NSNN thấp quá nên không thực hiện tăng lương. Do đó, ngân sách năm 2016, tôi đề nghị Chính phủ bằng mọi cách, từng bước phải có lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức. Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước là cố gắng làm sao giảm chi đến mức tối đa ở khu vực sự nghiệp. Cố gắng đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Nhiều trường học, bệnh viện tự chủ được rồi, giảm phụ thuộc vào ngân sách, làm sao từ năm 2016 trở đi không tăng chi thường xuyên. Bằng cách tiết giảm chi không cần thiết, chi hội họp, chi lễ hội để tăng lương cho cán bộ, công chức.

Tôi đề nghị, cố gắng đầu năm không được thì giữa năm cũng phải tăng tối thiểu 5%. Tôi nghĩ Chính phủ phải có lộ trình để thực hiện cho được Điều 91 của Bộ luật Lao động, chứ không phải doanh nghiệp thực hiện còn cán bộ, công chức thì không được. Nếu như thế, cán bộ, công chức sống như thế nào? Như vậy sẽ đi đến tình trạng là gây khó khăn cho nhân dân, gây khó khăn cho doanh nghiệp để rồi doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho bộ máy này, điều này không thể nào chấp nhận được. Tôi đề nghị, Chính phủ cũng phải chấp hành các luật đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ phải thực hiện nghiêm, vì luật đã thông qua rồi thì phải thực hiện cho tốt” – ông Tùng nhấn mạnh.
 

Đức Hòa

.