Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, sáng 17/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
  Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp.

Theo báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về tình hình thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh... được tuyên truyền phổ biến dưới hình thức  đăng tải công khai toàn văn nội dung các luật, pháp lệnh trên Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật…

Tính từ ngày 16/9/2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 103 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Hiện đã ban hành được 71 văn bản, còn 32/103 văn bản nợ chưa ban hành.

Tổ công tác của Thủ tướng cũng đã tiến hành rà soát 8.779 văn bản. Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tập trung chủ yếu vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Qua rà soát cũng cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Phiên họp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết từ Kỳ họp thứ Tám đến nay, Quốc hội đã thông qua 32 luật, nghị quyết, trong đó có 26 dự thảo luật, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.

Đã có thêm 3 dự án luật thuộc danh mục cần ban hành theo Nghị quyết số 718 được đưa vào Chương trình năm 2020. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2020, vẫn còn 18 dự án luật trong Danh mục nói trên chưa có kế hoạch triển khai xây dựng cụ thể, trong đó có 16 dự án luật được phân công cho Chính phủ chủ trì.

Về ban hành văn bản quy định chi tiết, hiện đã có 6 văn bản đã chậm hơn 1 năm. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá đầy đủ hơn nội dung này gắn với các trường hợp cụ thể còn nợ đọng văn bản, làm rõ tác động của việc tự kiểm điểm đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có chế tài xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 67 của Quốc hội.

leftcenterrightdel
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng trình bày báo cáo. 

Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của VKSND tối cao, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, có 23 văn bản có nội dung mâu thuẫn; 3 văn bản đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn và 24 văn bản đã hết hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản khác sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế.

Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của TAND tối cao, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, qua rà soát 57 văn bản thì 2 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 6 văn bản có quy định không còn phù hợp cần sửa đổi hoặc bổ sung. Ngoài ra, qua công tác xét xử các vụ án hình sự, TAND tối cao phát hiện một số vướng mắc của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc (khoản 2 Điều 65)…

Thẩm tra Báo cáo kết quả rà soát văn bản pháp luật của TAND tối cao, VKSND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hai cơ quan này đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức rà soát công phu, kỹ lưỡng.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao  kết quả rà soát văn bản pháp luật của TAND tối cao, VKSND tối cao

Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề xuất của TAND tối cao và VKSND tối cao về việc, mặc dù kết quả rà soát phát hiện một số quy định chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp nhưng cơ bản không ảnh hưởng đến thực tiễn thi hành dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị ghi nhận kết quả rà soát để tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc khi tiến hành sửa đổi tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp, thống nhất.

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như các báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các báo cáo đều rất chi tiết, có cái nhìn tổng quan. Từ đó cho thấy, công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật thời gian qua đã có nhiều cố gắng, dày công để ban hành văn bản phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu cuộc sống./.

Xuân Hưng