Đa số đại biểu đồng tình tăng thẩm quyền cho Viện kiểm sát
Cập nhật lúc 11:54, Thứ hai, 03/11/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Tăng thẩm quyền cũng có nghĩa là tăng cường trách nhiệm của VKS trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân của những người tham gia tố tụng, bảo đảm các quyền và lợi ích của họ không bị pháp luật tước bỏ, phải được tôn trọng. VKS có trách nhiệm phát hiện và xử lý hoặc yêu cầu xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động tư pháp, xâm phạm đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hoá), đề nghị luật cần giao cho Viện trưởng VKSNDTC thẩm quyền khởi tố một số loại án hình sự đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng và các loại tội phạm khác để tăng cường việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng trước yêu cầu hết sức bức xúc và đòi hỏi của nhân dân hiện nay. Quyền khởi tố một số vụ án giao cho Viện trưởng VKSNDTC, số lượng không nhiều và cũng không trùng lắp với thẩm quyền của các cơ quan điều tra khác.
ĐB Lê Nam nhấn mạnh, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp là nội dung đặc biệt quan trọng, là một trong những điểm sáng của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt trong điều kiện đất nước đang phát huy dân chủ, bảo vệ và bảo đảm nhân quyền, Quốc hội vừa xem xét phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Dự án luật đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của VKSND trong thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp bắt đầu từ giai đoạn giải quyết tin báo và tố giác tội phạm.
Theo ĐB Hồ Văn Năm, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong khởi tố vụ án dân sự đã được thực hiện trên thực tế gần 45 năm từ năm 1960 - 2004, từ năm 2004 đến nay không giao nhiệm vụ, quyền hạn này cho VKS thực hiện mà giao cho các cơ quan, tổ chức nhà nước khởi tố vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm và thể chất tâm thần. Tuy nhiên, qua thực tế từ năm 2004 đến nay, những vụ việc vi phạm đến lợi ích Nhà nước, lợi ích của công cộng, nhân dân do cơ quan tổ chức nhà nước khởi tố vụ án dân sự rất hạn chế. Thậm chí chưa khởi tố vụ án dân sự nào, dẫn đến các lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm và thể chất tâm thần bị xâm phạm, không được bảo vệ. Nguyên nhân do điều kiện tiếp cận, phát hiện các vụ việc trên của các cơ quan tổ chức Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, VKS khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình có đầy đủ điều kiện phát hiện để kịp thời khởi tố. Vì vậy trao quyền khởi tố các vụ án dân sự cho VKS để khởi kiện ra Tòa rất hợp lý.
Ngọc Đức (tổng hợp)
.