(BVPL) - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, trong phiên làm việc tại Hội trường sáng ngày 25/10/2014, Quốc hội đã nghe Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng VKSNDTC. 
 
Nhiều kết quả nổi bật
 
Báo cáo tóm tắt của Viện trưởng VKSNDTC trình bày tại Quốc hội cho thấy: Năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; tội phạm về tham nhũng vẫn xảy ra nhiều; tội phạm có tính chất “xã hội đen” vẫn diễn ra với thủ đoạn thông qua hoạt động của các doanh nghiệp để phạm tội; số vụ án về ma túy phát hiện ít hơn nhưng quy mô lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng; tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp tuy giảm nhưng có vụ gây bức xúc dư luận; các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, trong năm 2014, các cơ quan tư pháp đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về tư pháp và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường; hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tại hội trường Quốc hội khóa XIII
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt công tác tại hội trường Quốc hội khóa XIII.
 
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, năm 2014, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của lãnh đạo VKSNDTC, sự phối hợp của các cấp, các ngành, giám sát của cơ quan chức năng cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Viện kiểm sát các cấp, công tác của ngành Kiểm sát tiếp tục đạt kết quả tích cực và có nhiều chuyển biến rõ nét. Theo đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2014, trong đó xác định “Tăng cường các biện pháp chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm” là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm năm 2014; đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện những nội dung đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác. Đồng thời, ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
 
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt kết quả tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm. Trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được đề cao; hoạt động công tố gắn chặt hơn với hoạt động điều tra. Ngành Kiểm sát tích cực thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng công tố tại phiên tòa. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp sâu sát và hiệu quả hơn; việc phát hiện, quản lý vi phạm được tăng cường và ngày càng chặt chẽ; số lượng, chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị tiếp tục được nâng lên. Các chỉ tiêu khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp đều đạt và vượt quy định của Ngành, qua đó góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. Công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp chặt chẽ, hiệu quả hơn; đã chủ trì phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng nhiều quy chế phối hợp trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Giải quyết dứt điểm nhiều vụ án lớn, phức tạp, được dư luận đồng tình, ủng hộ; điển hình là một số vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ và các vụ án liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.
 
Bên cạnh đó, toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách tư pháp của Đảng, tích cực triển khai Hiến pháp mới, chú trọng công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo: Ngành Kiểm sát tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Nghiên cứu, xây dựng, thực hiện nghiêm túc các đề án về tổ chức và hoạt động, đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 32-CT/TW ngày 03/01/2014 của Ban Bí thư, Nghị quyết 64/2013/QH13 của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khẩn trương tổ chức hội nghị toàn Ngành triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; tập trung nghiên cứu, quán triệt những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 vào các dự án: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Kiện toàn lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; rà soát, phân bổ biên chế, số lượng Kiểm sát viên đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đã cơ bản tuyển đủ số biên chế được giao và khắc phục tình trạng thiếu cán bộ có chức danh tư pháp. Việc tuyển dụng cán bộ, bổ nhiệm chức danh tư pháp đảm bảo chất lượng, cơ cấu và đúng quy trình. Đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho hơn 2.900 cán bộ, Kiểm sát viên; tăng cường thực hiện hình thức tự đào tạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ; chú trọng sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến trong công tác này. Mở nhiều lớp bồi dưỡng năng lực quản lý, điều hành cho lãnh đạo chủ chốt của Viện kiểm sát các cấp. Thực hiện tốt công tác đào tạo và tuyển sinh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
 
Mặt khác, ngành Kiểm sát đã tập trung xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật: Đã tích cực, chủ động phối hợp, nghiên cứu, biên soạn 2 dự án luật được Quốc hội phân công chủ trì xây dựng, bảo đảm yêu cầu về nội dung, tiến độ, chất lượng và quy trình. Đến nay, đã hoàn thành Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này; hoàn thành dự thảo lần I Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) để lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Tích cực tham gia xây dựng các dự án luật khác, như: luật hình sự, dân sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự,… Khẩn trương xây dựng 19 văn bản hướng dẫn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); chủ trì xây dựng 04 thông tư liên tịch, phối hợp xây dựng 06 văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính…
 
Ngành Kiểm sát đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho Viện kiểm sát các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền: đã nỗ lực triển khai, thực hiện đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác. Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm thống kê tội phạm, hệ thống thông tin quản lý án hình sự; xây dựng, thực hiện Đề án “Nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Sử dụng hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến. Triển khai xây dựng và phấn đấu đến 01/01/2015 sẽ hoàn thành Đề án kết nối truyền hình trực tuyến đến 705 Viện kiểm sát cấp huyện trong toàn quốc. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được nâng lên đáng kể. Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Ngành Kiểm sát tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành và mở rộng hợp tác quốc tế, đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết TW 04 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh các phong trào thi đua để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra, kiểm tra nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ngành trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; Nỗ lực thực hiện việc cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới hành chính tư pháp; tập trung xây dựng, thực hiện Đề án “Xác định vị trí việc làm và cơ cấu các ngạch công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân”; tổ chức thi để chọn nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp và lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng trong toàn Ngành. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các thỏa thuận hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật; thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế. Hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự và trách nhiệm của thành viên Hiệp hội Công tố viên Quốc tế.
 
Cùng với đó, ngành Kiểm sát thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 của Quốc hội: Đã thực hiện đạt và vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 37 giao; nhiều loại kháng nghị có tỷ lệ Tòa án chấp nhận tăng cao. Triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tỉ lệ hồ sơ Tòa án trả để điều tra bổ sung giảm; khắc phục các trường hợp lạm dụng đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự; chất lượng tranh tụng có tiến bộ; việc đề nghị mức án bảo đảm có căn cứ pháp luật, cơ bản được Tòa án chấp nhận. Làm tốt công tác phát hiện vi phạm, kiến nghị, kháng nghị và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp... Đã tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giải quyết án tham nhũng để quán triệt những yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án về tham nhũng. Công tác giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ có nhiều tiến bộ; tiến độ nhanh hơn; kết quả xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
 
Tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
 
Về công tác năm 2015 của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh đến 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành Kiểm sát sẽ tập trung thực hiện đó là: Hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong các nghị quyết của Quốc hội; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua; tập trung nghiên cứu, xây dựng dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đúng chương trình, kế hoạch, bảo đảm chất lượng. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Xây dựng, thực hiện Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ lãnh đạo; nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong Ngành. Triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tham mưu, giới thiệu nhân sự là lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Ngành.
 
Theo đánh giá của Quốc hội, năm 2014, Chính phủ, VKSDTC, Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng ngừa, chống vị phạm pháp luật và tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cơ bản đã hoàn thành được chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, đặc biệt là trong Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 63 của Quốc hội; theo đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

 PV (tổng hợp)