(BVPL) - Chiều ngày 28/3/2016 tại Hà Nội, TAND tối cao đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Học viện Tòa án và khai mạc kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán năm 2016. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo buổi Lễ. Cùng dự buổi Lễ còn có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC. 
 
Toàn cảnh buổi Lễ
Toàn cảnh buổi Lễ
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị thời gian tới Học viện Tòa án cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Quán triệt sâu sắc, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, Luật pháp của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực Tư pháp để định hướng xây dựng và phát triển Học viện; xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ giáo viên, chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng; coi trọng cả việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ cần thiết khác, cả giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị của Thẩm phán và các chức danh Tòa án; giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; phấn đấu xây dựng Học viện trở thành một cơ sở đào tạo đại học, sau đại học có uy tín trong nước và khu vực. Sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp Học viện phải là những người tinh thông về luật pháp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhuần nhuyễn về kỹ năng thực hành, có kiến thức xã hội rộng, có quan điểm “gần dân, giúp dân, học dân” đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, cùng với đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Tòa án phải trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học xét xử có uy tín, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn xét xử, áp dụng pháp luật của các Tòa án. Nghiên cứu khoa học phải bổ trợ để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện phải góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án. Mặt khác, Học viện Tòa án cần xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo về phương pháp giảng dạy đại học, chú trọng tuyển chọn những người có kinh nghiệm xét xử và kinh nghiệm quản lý. Học viện phải thực sự là một môi trường giáo dục lành mạnh, mỗi cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy phải thực sự là tấm gương “Phụng công thủ pháp” cho sinh viên, học viên noi theo. Ngoài ra, Học viện cần tăng cường hợp tác quốc tế với Tòa án, cơ sở đào tạo pháp lý, đào tạo các chức danh tư pháp các nước trong khu vực và thế giới. Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, tiếp thu có chọn lọc thành tựu về đào tạo cán bộ tòa án, giải quyết các tranh chấp tư pháp quốc tế, đặc biệt là các tranh chấp về chủ quyền và liên quan đến thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, đáp ứng tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
 
Liên quan đến kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán năm 2016, Chủ tịch nước cho rằng, đây là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, do đó TAND tối cao cần tổ chức kỳ thi tuyển nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật và phải là mẫu mực cho các kỳ thi tuyển chọn sau này; mỗi cán bộ được lựa chọn thi tuyển cần phải nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của người Thẩm phán Tòa án trong thời kỳ mới, chuẩn bị tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán Tòa án.
 
Theo ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, TAND tối cao đã xây dựng Đề án thành lập Học viện Tòa án và ngày 30/7/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/2015/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường cán bộ Tòa án. Theo đó, Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc TAND tối cao, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Tòa án; đào tạo nghiệp vụ xét xử cho các chức danh tư pháp; đào tạo đại học và sau đại học nhằm tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 
 
V.T