(BVPL) - Dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và dự thảo Luật Tạm giam, tạm giữ đã làm “nóng” tại phiên thảo luận ở Tổ Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIII. Nhiều ý kiến của đại biểu (ĐB) băn khoăn cho rằng, nếu để Công an cấp xã tham gia điều tra ban đầu sẽ dễ dẫn đến oan sai. Đó là thực tiễn vì Công an xã chưa được tập huấn, đào tạo tốt.
Không nên giao thẩm quyền điều tra cho Công an xã
Băn khoăn trước quy định giao thẩm quyền điều tra cho lực lượng Công an xã, ông Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, nếu giao thẩm quyền này cho Công an xã dễ gây đảo lộn hiện trường vụ án. Do vậy, ông Quyền đề nghị không nên giao cho lực lượng Công an xã thực hiện nhiệm vụ điều tra.
“Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng nếu để Công an cấp xã tham gia điều tra ban đầu dẫn đến oan sai. Đó là thực tiễn vì Công an xã chưa được tập huấn, đào tạo tốt nên dễ xảy ra oan sai với những vụ quan trọng. Nhưng với những vụ đơn giản thì có thể làm trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan cấp trên và tập huấn.
Đồng tình với quan điểm không nên cho Công an xã tham gia điều tra ban đầu, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, đối với Công an phường thì đây là lực lượng chính quy có nghiệp vụ, có điều kiện điều tra ban đầu, còn Công an xã thì chưa nên, vì đây là lực lượng bán chuyên trách, không có chuyên môn nghiệp vụ nên dễ xảy ra ép cung, nhục hình không nên đưa vào dự luật vì lực lượng này không đáp ứng được yêu cầu.
Về vấn đề này, ĐB Chung băn khoăn, nếu giao cho Công an phường, xã có trách nhiệm điều tra ban đầu thì họ được làm các khâu, đoạn nào, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm ban đầu; bảo vệ hiện trường; với những trường hợp nạn nhân hấp hối sinh cung thì Công an phường có thể nghe tiếp nhận, thu thập các thông tin ban đầu và các thông tin đó hoàn toàn có giá trị pháp lý. Còn giao cho Công an xã có đáp ứng được không, có dẫn đến oan sai hay không, trên thực tế do Công an xã không đáp ứng được nên ở Hà Nội cứ 3, 4 xã phức tạp thì thành lập 1 đồn Công an.
Người chuyển giới, đồng tính phải được giam, giữ riêng
Cho ý kiến vào dự án Luật tạm giữ, tạm giam, đa số ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng cần bổ sung quy định người đồng tính cần có nơi giam giữ riêng. Và có nơi giam giữ đối với phụ nữ có thai và phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phải nêu rõ tiêu chuẩn nhà tạm giam, tạm giữ được thiết kế như thế nào, kho lưu trữ tài liệu quay phim, ghi hình thực hiện như thế nào để khi cơ quan tố tụng xác nhận đây là nguồn chứng cứ vụ án cũng phải nêu rõ phù hợp với luật tố tụng.
“Tôi đề nghị cần bố trí quản lý người tạm giam, tạm giữ đối với vị thành niên, người chuyển giới, đồng tính phải được giam giữ riêng. Tuy nhiên đối với người chuyển giới phạm tội thì giam ở 1 mình 1 phòng không ổn, không quản lý được. Ở chung với nam cũng không được, ở với nữ cũng không xong. Đang rất vướng. Quản lý đối tượng này vô cùng khó, không biết là nam hay nữ mà thực hiện theo chế độ” – ông Ánh nói.
Ngọc Đức