(BVPL) - Sáng 12/10, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về việc giá xăng lại giảm, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng chúng ta vẫn còn có tính độc quyền trong chỉ đạo xăng dầu.

 


- Vậy làm thế nào để giá xăng sát với giá thị trường?

- Theo tôi có hai vấn đề. Thứ nhất là, tính độc quyền trong xăng dầu phải giảm, và cho cạnh tranh bình thường. Thứ hai là, cách tính để cho hợp với thông lệ quốc tế, thì phải sát dần. Hai cái đấy giải quyết được, thì thị trường mới bình thường, nhưng chúng ta chưa làm được. Tôi cho rằng, xăng dầu chúng ta có yếu tố là chính sách. Mình cứ cộng dồn để nhiều thời kỳ, không điều chỉnh đến khi không thể chịu được nữa rồi mới điều chỉnh. Đáng lẽ phải làm ngay, thì mình lại để lùi một thời gian. Người dân nhìn thấy cách làm như vậy nên cảm thấy có cái gì không lành mạnh.

- Không chỉ giá xăng, mà Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo giá bán than, điện phải sát với thị trường. Nhưng thực tế, các cơ quan chức năng vẫn không thực hiện. Phải chăng nói không đi đôi với làm?

- Tôi đã từng nói, khi mình nói xong mà không làm, như thế là người ta nghi ngờ ngay. Còn không làm được, thì phải giải thích, công khai, minh bạch, nếu có lỗi thì phải nhận. Chứ nếu nói không tăng, mà lại tăng ngay, hay nói không dồn dập mà dồn dập thật thì người dân có ý kiến. Khi không lý giải nổi, thì người dân nghi ngờ là chắc chắn.

- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó có yêu cầu là giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục phải sát với thị trường. Vậy theo ông, Quốc hội cần phải giám sát việc thực hiện như thế nào?

- Giám sát là sau quá trình thực hiện, nhưng phải làm thế nào cho những chính sách được cụ thể hóa, có địa chỉ, có mức độ, lộ trình.  Sau đó, căn cứ vào đó để mà giám sát thì mới chắc ăn, và hiệu lực giám sát mới cao. Chứ còn giải pháp chung của Quốc hội và Chính phủ mang tính định hướng nhiều hơn. Muốn ra cụ thể thì phải cụ thể hóa chính sách, lượng hóa ra. Ví dụ ai làm? Mức độ bao nhiêu? Làm phối hợp như thế nào? Trên cơ sở đó Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, doanh nghiệp mới giám sát được. Làm sai thì người ta có ý kiến ngay. Cái đấy mới là cái có khả năng thực thi cao.

- Chúng ta nói nhiều đến không để độc quyền, nhưng chúng ta chưa xử lý được độc quyền, thưa ông?

- Khi đã có độc quyền, công nhận độc quyền thì không thể xử lý được. Ví dụ trong xăng dầu chỉ để 2, 3 anh thôi. Mà 1 anh lại “chơi” tới 70-80% thì anh này có quyền đặt ra giá, đặt ra chi phí, rồi cộng lên mà ta không kiểm soát nổi. Chứ nếu có 5 anh, thì tôi chọn anh thấp nhất, đẩy anh cao ra. Còn nếu giải quyết được mô hình cạnh tranh, thì nó xóa được tất cả.

- Xin cám ơn ông!
 

Đức Thắng (thực hiện)

.