Sau khi triển khai tên lửa phòng không, Trung Quốc có thể ngang ngược triển khai thêm các vũ khí tối tân hơn đến Biển Đông như tên lửa chống hạm, tờ Thời báo Hoa Nam buổi sáng ngày 17/2 dẫn lời các chuyên gia cho biết.

 


Những bình luận trên được đưa ra sau khi hãng tin Fox News của Mỹ ngày 14/2 dẫn các ảnh chụp vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc lớn tiếng nói rằng, việc triển khai này là nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Trung Quốc nhằm đáp trả lại việc Mỹ đưa tàu chiến tuần tra gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép ở Biển Đông thời gian qua.

Li Jie, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc sẽ còn ngang ngược triển khai thêm vũ khí đến Biển Đông nếu Mỹ tiếp tục “cứng rắn”. Chuyên gia này cho rằng, tùy vào tình hình, Trung Quốc có thể triển khai các tên lửa chống hạm đến Biển Đông.

Trung Quốc có thể triển khai tên lửa tầm ngắn đến các đảo nhỏ hơn, hoặc triển khai các thiết bị như radar, vệ tinh để hợp nhất các kết cấu phòng thủ, ông Li nói. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sẽ tăng cường hoạt động tuần tra bằng máy bay không người lái.

Cùng chung ý kiến này, Niel Ashdown, phó biên tập tạp chí tình báo IHS Jane’s, cho rằng Trung Quốc cũng thể triển khai hệ thống phòng không tầm ngắn tới một số đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tập trung triển khai vũ khí ở Hoàng Sa của Việt Nam.

“Đó sẽ là hành động khiêu khích nếu Trung Quốc bắt đầu triển khai hệ thống vũ khí tương tự đến các đảo và bãi đá ở Trường Sa”, Ashdown nói.

Ian Storey, chuyên gia Biển Đông ở Viện nghiên cứu Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng những vũ khí tương tự có thể được triển khai tới các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ phi pháp ở Trường Sa trong 1 -2 năm tới.

Động thái triển khai tên lửa đến Hoàng Sa của Trung Quốc tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đang thực hiện ý đồ quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi các nước trong đó có Úc tiếp tục các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng hành động của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận được”.

 

Theo Dân trí
 

.