(BVPL) - Ngày 12/12/2012, tại Văn phòng Chủ tịch nước, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cùng tham dự có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên TW Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đồng chí Giang Sơn,Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, đồng chí Dương Thành Bắc, Trợ lý Chủ tịch nước….

 

Đ/c Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đ/c Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

 

Tham dự buổi làm việc còn có Thủ trưởng các Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự và Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên TW Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo với Chủ tịch nước những kết quả nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012: Mặc dù năm 2012, ngành Kiểm sát nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng Viện kiểm sát các cấp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực: Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự tiếp tục có chuyển biến tích cực; trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra ngày càng được tăng cường; chất lượng điều tra các vụ án hình sự đảm bảo; chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm tốt hơn. Hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, từng bước đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra, xét xử các vụ án hình sự được tăng cường; vai trò của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm được phát huy. Phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở các cấp ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án lớn về an ninh quốc gia, về tham nhũng. Khối lượng công việc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự tăng nhiều, tuy nhiên chất lượng công tác vẫn được đảm bảo, ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Trên tinh thần đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành đã đạt được nhiều tiến bộ, đặt cơ sở cho sự phát triển mạnh hơn của ngành Kiểm sát nhân dân cho những năm tiếp theo.
 
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai - Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tối cao trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai - Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tối cao trình bày báo cáo tại buổi làm việc
 
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo với Chủ tịch nước về một số vướng mắc, bất cập, như: Nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định trong Bộ luật hình sự; những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự chưa tạo ra cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện tốt việc kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tình trạng điều tra không đúng thẩm quyền vẫn còn xẩy ra; pháp luật thiếu các cơ chế bảo đảm các yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát để chứng minh tội phạm được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; thủ tục tố tụng hình sự hiện nay về cơ bản vẫn là tố tụng thẩm vấn nên chưa tạo điều kiện để Kiểm sát viên phát huy tính chủ động, tích cực trong thực hiện tranh tụng, buộc tội tại phiên tòa; do những điều kiện khác nhau nên số lượng luật sư tham gia phiên tòa hình sự còn ít nên chưa đảm bảo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện việc tranh tụng tại các phiên tòa; công tác phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết một số vụ án chưa tốt;… Những vướng mắc, bất cập trên đang tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên; đồng thời kiến nghị với Chủ tịch nước một số vấn đề.
 
Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo với Chủ tịch nước những giải pháp mà ngành Kiểm sát nhân dân triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị của lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012. Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả tích cực hơn năm trước. Chủ tịch nước rất quan tâm và đánh giá cao những nội dung mà ngành Kiểm sát nhân dân kiến nghị. Chủ tịch nước cho rằng, ngành Kiểm sát nhân dân cần phải sớm có những giải pháp hiệu quả khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong năm qua; chú trọng công tác tổng kết thực hiện pháp luật, tích cực phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật; đồng thời thực hiện tốt công tác xây dựng luật, nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn bất cập, thực hiện thiếu hiệu quả,…
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch nước rất mừng vì năm 2012, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, sự đầu tư thêm về cơ sở vật chất, con người,… chưa đáng kể nhưng hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều tiến bộ, thu được nhiều kết quả tích cực. Vì vậy, ngành Kiểm sát cần có sự động viên kịp thời đến đội ngũ cán bộ, công chức của toàn Ngành. Trong tổng kết ngành tới đây, cùng với việc thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời ngành Kiểm sát cần phải khẳng định sự nỗ lực, tự thân vươn lên của Viện kiểm sát các cấp, đặc biệt là đối với cấp huyện (tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm, trong khi chế độ, biên chế chưa kịp thời những vẫn hoàn thành nhiệm vụ). Về việc thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Chủ tịch nước cho rằng tố giác về tội phạm là nguồn thông tin hết sức quan trọng đối với công tác đấu tranh tội phạm; cùng với nhiệm vụ thu hẹp bớt oan, sai, Viện kiểm sát phải thực hiện tốt nhiệm vụ chống bỏ sót tội phạm. Đây là nhiệm vụ hết sức thiết thực đối với các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng trong thực hiện Nghị quyết 04 của Đảng. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, đặc biệt là việc giải quyết các vụ án tham nhũng thì cùng với việc giải quyết các khó khăn bất cập khác, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát phải tăng cường bản lĩnh chính trị, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải vì lợi ích chung của đất nước, của Đảng, của nhân dân. Về việc nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, công tác tranh tụng tại các phiên tòa hình sự đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, để có những chuyển biến mạnh mẽ công tác này thời gian tới thì trong phạm vi trách nhiệm của mình, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát phải xác định rõ nguyên nhân, để có giải pháp hiệu quả để mỗi năm chất lượng công tác phải được nâng cao hơn. Mặt khác, các ngành tư pháp cũng phải có sự họp bàn, tổng kết để thống nhất đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân, trách nhiệm của mỗi ngành để sớm có giải pháp khắc phục hạn chế. Đối với án dân sự, đặc biệt là án hành chính, chất lượng hiện nay còn chưa cao, còn nhiều vướng mắc, bất cập, vì vậy qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát cần tăng cường hơn nữa kiểm sát trong lĩnh vực này, đồng thời mạnh dạn, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Đối với những kiến nghị của ngành Kiểm sát về những điều kiện phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát cần khẩn trương nghiên cứu, xác định các đề án để đưa vào chương trình công tác năm 2013 để trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu bức thiết đang diễn ra hàng ngày của Viện kiểm sát các cấp và để tạo niềm tin cho Viện kiểm sát địa phương, nhất là đối với Viện kiểm sát cấp huyện, thì ngành Kiểm sát cần nghiên cứu, xây dựng ngay đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị riêng (việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đề án Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ làm theo lộ trình).
 
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Viện KSND tối cao
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Viện KSND tối cao
 
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch nước mong muốn bước sang năm mới năm 2013, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất, bản lĩnh trong công tác; đưa ra các giải pháp cụ thể, góp sức cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi các yêu cầu cải cách tư pháp đã đề ra.
 
Phúc Long - Trường Giang