|
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng công ty Dược Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất /TTXVN |
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao Huân chương Lao động Hạng nhất - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Chủ tịch nước đánh giá, trải qua 50 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Tổng công ty Dược Việt Nam và các Doanh nghiệp thành viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước biểu dương những thành tựu của ngành y tế những năm qua trong việc phát triển mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân, kể cả người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...; những thành tựu xuất sắc của ngành y trong nhiều lĩnh vực như tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi. Đặc biệt trong cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch COVD-19 hơn 2 năm qua, đã có những nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng... của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, trên cả nước.
“Các đồng chí, những "chiến sỹ áo trắng" đã không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng vào nơi hiểm nguy, nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc, bảo vệ người dân trước sự tấn công của dịch bệnh, có người đã mãi mãi không trở về”, Chủ tịch nước nói; đồng thời nhấn mạnh: “Những khó khăn mà ngành y tế đang gặp phải chỉ là tạm thời, Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm và sẵn sàng cùng các đồng chí giải quyết những thách thức và vướng mắc mà ngành Y tế đang gặp phải”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị ngành Y tế và Tổng công ty dược Việt Nam hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ dịch vụ y tế, cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện. Mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo. Chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế ở các bệnh viện công lập. Kiểm soát tốt hơn nữa về chi phí y tế, quản lý tốt hơn dược phẩm, thực phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, thúc đẩy hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
Đi liền với đó là đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ, y đức, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Nâng cao nội lực y tế nước nhà, phát triển hài hòa cả Đông y và Tây y, trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới. Chú trọng hơn nữa đến công nghiệp hóa dược, sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại; phát triển và gia tăng giá trị dược liệu sản xuất trong nước, sản xuất nguyên liệu và bao bì dược phẩm; làm sao để ngành dược Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu. Tổng Công ty Dược Việt Nam phải đi đầu trong đầu tư ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, kể cả liên kết hợp tác với nước ngoài trong phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam. Tập trung nâng cao chất lượng thuốc Việt Nam, trong đó có thuốc biệt dược.
Bày tỏ lo lắng trước những diến biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, chân tay miệng… đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở nước ta; đáng lo ngại nữa là tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc có chiều hướng gia tăng do thu nhập hạn chế, Chủ tịch nước mong muốn ngành Y tế nêu cao bản lĩnh cách mạng, vì sức khỏe của nhân dân.
Trao đổi về giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc hiện nay, đề cập đến hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế, thanh toán bảo hiểm y tế…, Chủ tịch nước nêu rõ, từ năm 2019 trở về trước, thời điểm chưa có dịch, cơ bản không xảy ra thiếu thuốc, chỉ có tình trạng thiếu cục bộ ở một số địa phương. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Y tế tiếp tục vận dụng thể chế hiện hành để xử lý sớm vấn đề này.
Nêu lên nỗi lo lắng của người dân, người bệnh trước thực tế nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhất là trong điều trị các bệnh nan y, Chủ tịch nước nêu rõ, cả nước đã có 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế, đây là một thành công quan trọng, thể hiện sự ưu việt của chế độ. Do đó, một yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo thuốc cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Chia sẻ về những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng này, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động đàm phán, xây dựng kế hoạch đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế với các nhà sản xuất, cung ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm với nhân dân. Chỉ đạo Trung tâm đấu thầu quốc gia, các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của người bệnh; tránh các tình trạng: “Đấu thầu chậm, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí đặt thêm thủ tục” hoặc “không đủ nhân lực tổ chức đấu thầu tập trung”….
“Cần xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do chậm đấu thầu”, Chủ tịch nước nói và đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện cơ chế, chính sách dài hạn liên quan đến sửa đổi Luật đấu thầu, Luật bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; trình Chính phủ xem xét, thông qua cơ chế phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhanh chóng có thuốc phục vụ người bệnh.
“Chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần nêu gương người đứng đầu trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân”, Chủ tịch nước nói và bày tỏ tin tưởng, hệ thống y tế, các y bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, ngành y tế sẽ phát huy truyền thống; đặc biệt là 50 năm truyền thống của Tổng Công ty Dược Việt Nam với tinh thần dám nghĩ, dám làm và làm đúng để phục vụ nhân dân tốt hơn.