(BVPL) - Truyền thông Trung Quốc dẫn lời Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, mục đích của Bắc Kinh khi công khai đưa tin và phát tán những hình ảnh mới nhất, rõ nhất về sân bay quân sự (trái phép) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược các năm 1956, 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp đến nay) là nhằm gửi thông điệp cảnh báo Việt Nam và Hoa Kỳ, rằng Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực. Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc ngang nhiên đưa thông tin liên quan đến vụ việc trên.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh đã tức giận trước tuyên bố của Hoa Kỳ về việc công bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương vũ khí cho Việt Nam sau 40 năm cấm vận. Những bức ảnh mới nhất về sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm được công bố trên Tân Hoa Xã và các kênh truyền thông lớn của Trung Quốc, trong đó nói rằng đường băng được xây dựng bởi các nhà thầu quân sự và dân sự.

Một đường băng dài hơn 2.000m (Đảo Phú Lâm rộng 1,8 km) được Tân Hoa Xã cho hay nó có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự,  thậm chí truyền thông còn ví von đó là “tàu sân bay không chìm” để nói về đường băng trên đảo Phú Lâm. Đường băng này sẽ cung cấp nơi cất, hạ cánh “lý tưởng” cho binh chủng không quân trong hải quân Trung Quốc. “Sự phát triển mới nhất trên đảo Phú Lâm là nhằm mục đích cảnh báo Washington rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị tốt trong trường hợp Mỹ tham gia cùng Việt Nam đối phó với Trung Quốc ở bất kỳ cuộc xung đột lãnh thổ nào có thể xảy ra trong tương lai”, Nghê Lạc Hùng bình luận.

Ngoài mục đích quân sự, đường băng bất hợp pháp này cũng có thể được Trung Quốc sử dụng vào việc tổ chức các tour du lịch bất hợp pháp ra quần đảo Hoàng Sa. “Những diễn biến mới trên đảo Vĩnh Hưng nhằm mục tiêu cảnh báo Washington rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị tốt trong trường hợp phải đối phó với Mỹ về khả năng xảy ra xung đột quân sự vì tranh chấp lãnh thổ trong tương lai”, một nhà phân tích, bình luận của Trung Quốc cho hay.

Một chuyên gia hải quân khác tại Bắc Kinh là Li Jie - sĩ quan quân đội Trung Quốc nghỉ hưu phân tích, đường băng trên cũng có thể mở đường cho việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng động thái tương tự ở Hoa Đông. Theo đó, vùng nhận diện phòng không mà họ đơn phương lập ra tại đây (đòi hỏi các máy bay phải thông tin cho phía Trung Quốc về kế hoạch bay khi hoạt động ở không phận này) đã khiến các láng giềng Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.

Hai năm trước đây, Trung Quốc đã đơn phương lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm - cách Đông Nam đảo Hải Nam 300km - với dân số khoảng 1.500 người. Ngoài ra “Tam Sa” còn có các đơn vị quân sự gồm ít nhất 6.000 lính đồn trú.

 

Đảo Trường Sa Lớn, thị trấn Trường Sa - Việt Nam.
Đảo Trường Sa Lớn, thị trấn Trường Sa - Việt Nam.


Trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn tất đường băng dài 2.000m trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt  Nam  khẳng định hành động của Trung Quốc không thể thay đổi được chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với Hoàng Sa. Trả lời trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước hành động nêu trên của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.”
 

Sơn Hải

.