Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Hội Luật quốc tế Việt Nam cần tổ chức giao lưu, trao đổi với các hội luật quốc tế của các nước, đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay như cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế…


Phát biểu chỉ đạo Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2016-2019 vừa tổ chức tại Đại học Luật Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và là sự kế thừa, phát huy truyền thống vận dụng pháp luật quốc tế phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội được thành lập đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế thuộc nhiều thế hệ tại Việt Nam.

 

 Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (Ảnh: VOV)
Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (Ảnh: VOV)


Sau khi chính thức đi vào hoạt động, với tư cách là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội Luật quốc tế Việt Nam cần tạo ra một diễn đàn tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế; tổ chức những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu luật pháp quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu khác của đất nước.

Cùng với những tổ chức pháp lý đã hình thành tại Việt Nam như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật quốc tế Việt Nam phải có những đóng góp, tư vấn và phản biện cho các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, bảo đảm sự hài hòa và phù hợp giữa pháp luật quốc gia với các cam kết quốc tế; phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội cần tổ chức giao lưu, trao đổi với các hội luật quốc tế của các nước, đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay như cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế…

Tại Đại hội này, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã công bố và trao quyết định về việc cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam cho Ban Vận động thành lập Hội. Theo đó, Hội Luật quốc tế Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ do Bộ trưởng Bộ Nội phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động.

Hội Luật quốc tế Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động. Phương hướng hoạt động của Hội Luật quốc tế Việt Nam thời gian tới là tập trung thực hiện việc hoàn thiện tổ chức, nhân sự, phát triển hội viên.

Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 3 hướng hoạt động chuyên môn lớn gồm: Nghiên cứu, tuyên truyền và đào tạo luật quốc tế nhằm phổ biến luật quốc tế, nâng cao nhận thức về luật quốc tế; đóng góp ý kiến, tư vấn và phản biện cho các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ quan điểm của Chính phủ tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; hợp tác, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khác trong các vấn đề pháp lý, giải quyết tranh chấp và hội nhập quốc tế; thiết lập, phát triển các quan hệ hợp tác, đối tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của Hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là thành quả của nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ luật gia Việt Nam, đồng thời là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của giới luật gia luật quốc tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ đầu, Bộ Ngoại giao đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam thông qua Ban vận động thành lập Hội, bao gồm các cán bộ luật pháp quốc tế kỳ cựu của Bộ Ngoại giao và các bộ ngành khác.

Quyết định cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam đã quy định Bộ Ngoại giao là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Ngoại giao và Hội Luật quốc tế Việt Nam triển khai các công tác, thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó trong công tác pháp luật nói chung, luật quốc tế nói riêng.

Trước đó, ngày 25/8/2014, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 2487/QĐ-BNG công nhận Ban vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam. Sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo các luật gia, luật sư, hoạt động trong lĩnh vực luật quốc tế, ngày 20/6/2016 Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ cho phép thành lập.

 

Theo Dân trí

.