(BVPL) - Trong quá trình xây dựng Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), chế định bào chữa được đặc biệt quan tâm. Từ đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), chương VII mới về bào chữa đã được hình thành. Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ, Luật sư  Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch LĐLSVN, Thành viên Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung BLTTHS liên quan đến nội dung này.
 


Luật sư Phan Trung Hoài: Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã thể hiện một bước quan trọng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và chủ trương cải cách tư pháp, trong đó trọng tâm là cải cách tư pháp về hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Về phần mình, LĐLSVN đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo, góp ý và xây dựng Dự thảo nói trên, nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị của LĐLSVN đã được Ban soạn thảo và Tổ biên tập ghi nhận. Đặc biệt, Ban soạn thảo đã chấp nhận đề nghị của LĐLSVN về việc xây dựng chương VII về bào chữa (mới), cũng như cụ thể hóa các điều khoản liên quan đến vai trò, thực thi quyền và nghĩa vụ của người bào chữa qua các giai đoạn TTHS.

Những đổi mới bước đầu liên quan đến chế định bào chữa trong Dự thảo thể hiện trước hết ở việc ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản liên quan việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Dự thảo đã tiếp cận sớm hơn thời điểm người bị tố giác, báo tin tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền có luật sư tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình cho đến khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Trong một chừng mực nhất định, đã thể chế hóa “quyền im lặng” khi quy định người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Về diện người bào chữa, đã bổ sung Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách; chuyển đổi thủ tục từ cấp giấy chứng nhận sang cấp giấy đăng ký bào chữa; rút ngắn thời hạn cấp giấy đăng ký bào chữa chỉ còn 12 giờ đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với trường hợp bào chữa cho bị can, bị cáo.

Về diện chủ thể có quyền yêu cầu nhờ bào chữa, dự thảo đã bổ sung người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa; quy định cụ thể thủ tục và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị tạm giữ, tạm giam khi tiếp nhận được yêu cầu nhờ người bào chữa từ người buộc tội phải chuyển yêu cầu này hoặc thông báo cho người bào chữa được họ nhờ biết; có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa liên hệ với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để thỏa thuận về việc nhờ bào chữa. Mở rộng trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tù chung thân, tử hình thay vì chỉ có tử hình như hiện nay.

Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền của người bào chữa như quyền gặp, hỏi một cách độc lập đối với người bị buộc tội đang bị tạm giam; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, khi cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản, khám người, khám chỗ ở, chỗ làm việc và một số hoạt động điều tra khác; quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, tiến hành một số hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mà mình bào chữa, đề nghị triệu tập người làm chứng; quyền thu thập chứng cứ (quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng, những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp  tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa…), đưa ra và đánh giá chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Bổ sung các cơ chế để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa như: Quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia; thủ tục gặp người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thủ tục giao nộp chứng cứ, thủ tục đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Dự thảo lần này cũng ghi nhận một trình tự mới, theo đó trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các yêu cầu của Kiểm sát viên và người bào chữa trong việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; mời, triệu tập người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án; thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín; xem xét tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố. Điểm mới quan trọng tại phiên tòa là chủ tọa điều khiển việc xét hỏi nhằm đảm bảo xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội, từng người trong vụ án. Khi xét hỏi từng người, Kiểm sát viên hỏi trước, rồi đến người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Các thành viên của Hội đồng xét xử hỏi khi thấy còn những điểm chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Bản án phải ghi nhận và đánh giá ý kiến của người bào chữa; phân tích lý do chấp nhận hoặc bác bỏ quan điểm của người bào chữa…

Phóng viên: Vậy, theo ông, những điểm đổi mới nêu trên đã giải đáp được những vướng mắc, tồn đọng trong thực tiễn hành nghề của đội ngũ luật sư hay chưa?

Luật sư Phan Trung Hoài: Nhìn từ thực trạng hành nghề luật sư và thực tiễn tham gia tố tụng, chúng tôi cho rằng vẫn còn một số điểm mà giới luật sư mong mỏi Ban soạn thảo và các đại biểu Quốc hội quan tâm thể hiện trong dự thảo. Tuy chế định bào chữa đã được xây dựng thành một chương riêng, nhưng địa vị pháp lý của người bào chữa vẫn được xác định là “người tham gia tố tụng”, chưa được coi là chủ thể tư pháp độc lập, có vị thế bình đẳng trong việc thực hiện chức năng bào chữa như một chức năng cơ bản của TTHS cùng các chủ thể tiến hành tố tụng khác. Dự thảo chưa cập nhật về sự tham gia của “người tập sự hành nghề luật sư trong quá trình giải quyết vụ án hình sự” theo Khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư năm 2012.

Theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, luật sư cần được sớm tiếp cận, gặp mặt mang tính chất riêng tư với người bị tình nghi phạm tội, có cơ chế giám sát gián tiếp thông qua hệ thống màn hình camera, nhưng không đặt chế độ ghi âm hoặc truyền âm. Như kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ủng hộ quan điểm của LĐLSVN, cần thay thế chế độ cấp Giấy chứng nhận sang chế độ đăng ký, trong đó khi tham gia vụ án theo yêu cầu, người bào chữa chỉ cần đăng ký thủ tục với cơ quan tố tụng. Dự thảo cũng cần bổ sung quy định về biện pháp hỗ trợ từ phía Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi có sự ngăn cản thực hiện quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, quy định rõ hơn về sự tham gia của người bào chữa trong thủ tục tố tụng rút gọn, trong việc xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án hình sự.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Mai Hòa (thực hiện)

.