(BVPL) - Mới đây, thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 619/QĐ-TTg ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
 
Tiêu chí tiếp cận pháp luật gồm 5 tiêu chí thành phần:  Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở và 25 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tương ứng.
 
Theo đó, cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ 4 điều kiện:
 
1- Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa.
 
2- Tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III.
 
3- Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên.
 
4- Trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.
Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện) xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo thực hiện các giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
 
Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để tư vấn, giúp chủ tịch UBND huyện tổ chức việc đánh giá tiếp cận pháp luật gồm một lãnh đạo UBND cấp huyện làm chủ tịch hội đồng, trưởng phòng tư pháp làm phó chủ tịch hội đồng.Công khai, minh bạch kết quả chấm điểm các tiêu chí.
 
PV
 
.