Mở đầu vụ án, Phạm Công Danh đã kêu mệt, trí nhớ kém. Được tạo cơ hội ngồi nghe tất cả các bị cáo, những người có liên quan khác khai trước.
 
Đến lượt mình trả lời các câu hỏi, bị cáo quên những gì bất lợi, nhưng “nhớ” và khẳng định những chi tiết có lợi cho mình, cho dù những điều Danh “nhớ” và khai mâu thuẫn với những người khác đã khai trước đó.
 
Phạm Công Danh tự lừa mình
 
Tháng 7/2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kết luận về thực trạng của Ngân hàng Đại Tín lỗ hơn 6.000 tỷ, mất hết vốn điều lệ và âm tiếp gần 3.000 tỷ, Kết luận thanh tra chắc chắn nêu về thực trạng tín dụng, tài chính của ngân hàng này và các nguyên nhân, trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn.
 
Phạm Công Danh và đồng phạm - Ảnh tuoitre.vn
Phạm Công Danh và đồng phạm - Ảnh tuoitre.vn
 
Tháng 2/2013 Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, báo cáo tài chính năm 2012 của ngân hàng này do chính Phan Thành Mai ký với tư cách Phó Tổng Giám đốc thường trực, được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Ernst & Young, thể hiện rất rõ tình hình tài chính của ngân hàng, có dẫn chiếu đến kết luận Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.
 
Tất cả những người đã từng làm Ngân hàng đều hiểu rằng, để thông qua báo cáo tài chính năm, trước đó các bộ phận nghiệp vụ, người ký báo cáo (Phan Thành Mai) phải làm việc, kiểm tra các thông tin cùng với Công ty kiểm toán rất nhiều lần. Trong phần ý kiến, Công ty Kiểm toán Ernst & Young nêu “Ngân hàng phát sinh khoản lỗ thuần trong năm là 8.930 tỷ đồng và bị âm vốn chủ sở hữu là 5.711 tỷ đồng tại ngày 31/12/2012... Các vấn đề nêu trên gây ra sự hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của ngân hàng ...”.
 
Mặc dù biết rất rõ tình trạng của Ngân hàng này trước khi mua, tại phiên tòa, Phan Thành Mai, Phạm Công Danh nói rất “sốc” khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, khi 95% dư nợ là nợ xấu, Ngân hàng không đảm bảo khả năng chi trả. Bị cáo Danh thậm chí còn nghẹn ngào “tôi bị lừa” khi mua Ngân hàng Đại Tín.
 
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Phạm Công Danh tự lừa mình. Tập  đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh trước đó cũng đã gặp khó khăn về tài chính. Phạm Công Danh rắp tâm mua Ngân hàng Đại Tín, một “xác chết biết đi”.
 
Ngoài số tiền hơn 3.600 tỷ trả cho bà Hứa Thị Phấn đã được rút ra từ Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng), Phạm Công Danh đã rút ra hơn chục ngàn tỷ để tăng vốn điều lệ cho chính ngân hàng, chi tiêu ... Và số tiền 9.000 tỷ chưa thu hồi được của vụ án hiện tại là chưa kể vụ việc đã được tách ra bằng vụ án khác cũng có con số thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng.
 
Liều mình
 
Với chiêu bài phải cứu Ngân hàng, với mục đích “cao cả” là phải huy động được tiền bằng mọi giá để giữ thanh khoản của Ngân hàng, Phạm Công Danh cùng đồng sự đã chi hơn 4.000 tỷ chăm sóc khách hàng, không rõ địa chỉ.
 
Chiêu bài cứu ngân hàng, chi lãi suất vượt trần của Phạm Công Danh không thể chấp nhận được vì Ngân hàng Xây Dựng khi đó đang bị kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hoạt động, thanh khoản của Ngân hàng Xây Dựng được Ngân hàng Nhà nước giám sát và xử lý. Thị trường tài chính ngân hàng thời điểm này ổn định, không ngân hàng nào cần thiết phải huy động vượt trần. Ngân hàng Nhà nước thậm chí còn không khống chế trần lãi suất tiền gửi với khoản tiền có thời hạn trên 6 tháng. Sau vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên, dù muốn thì cũng không ngân hàng nào dám trả lãi suất vượt trần.
 
Phạm Công Danh đóng vai con “thiêu thân” cứu ngân hàng để tránh trách nhiệm cho chính mình. Ai có thể tin được Phạm Công Danh không hưởng lợi từ số tiền hơn 4.000 tỷ không biết đi đâu,  không dùng số tiền này để mua tài sản đứng tên người khác mà Hội đồng xét xử đang truy xét.
 
Phạm Công Danh “quân tử”
 
Ngân hàng Xây Dựng đã tự ý chuyển 5.190 tỷ của nhóm bà Trần Ngọc Bích khỏi tài khoản của bà Bích mà không có lệnh chi hợp pháp của chủ tài khoản. Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã tự ý dùng sổ tiết kiệm của một số cá nhân làm tài sản đảm bảo để vay 300 tỷ đồng mà không hề có chữ ký của các cá nhân này. Cáo trạng đã truy cứu Danh và các đồng phạm về hành vi rút 5.490 tỷ đồng của Ngân hàng Xây Dựng.
 
Bị truy trách nhiệm, Phạm Công Danh nêu đây là mối quan hệ dân sự với bà Bích và vì lương tâm, bị cáo sẵn sàng chịu trách nhiệm trả tiền cho bà Bích thay cho Ngân hàng Xây Dựng. Đồng thời Danh “chân thành” xin lỗi bà Bích.
 
Danh và các đồng phạm nêu bà Bích cho Danh vay tiền, bà Bích biết và đồng thuận với việc ngân hàng chuyển tiền không chứng từ. Nhưng thực tế khi bà Bích yêu cầu chuyển tiền khỏi tài khoản thì Danh và các bị cáo dấu thông tin, không cho bà Bích biết tài khoản không còn tiền, mà lập biên bản ngày 22/4/2014 ghi nhận yêu cầu của bà Bích và hứa sẽ giải quyết. Tại sao Danh vay tiền của bà Bích, bà Bích đồng thuận việc chuyển tiền không chứng từ mà Ngân hàng Xây Dựng còn ghi nhận bằng biên bản này?
 
Phạm Công Danh đóng vai “quân tử” chỉ để nhằm dân sự hóa vụ việc, trách nhiệm hình sự của mình khi rút tiền của Ngân hàng Xây Dựng.
 
Phạm Công Danh lúc quên, lúc nhớ. Danh đã quên cả năm sinh của con mình khi khai lý lịch. Tác giả của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho ngành xây dựng đã tự nhận mình không có hiểu biết, kinh nghiệm. Bằng đại học của Danh có dấu hiệu bằng giả ...
 
Bản chất của vụ án là gì, đó là Phạm Công Danh chủ định mua Ngân hàng Đại Tín để rút tiền. Thực tế Danh và đồng phạm bất chấp pháp luật, đã rút hàng chục ngàn tỷ đồng của Ngân hàng, chi tiêu cá nhân, không rõ địa chỉ. Việc Danh rút tiền ngân hàng mua chính ngân hàng, đóng tiền tăng vốn ngân hàng cũng chính là vì lợi ích cá nhân của Danh, thực tế Danh đã hưởng lợi.
 
Chắc chắn các “chiêu trò” của Phạm Công Danh sẽ không thể đánh lạc hướng dư luận, không thể qua mắt được các cơ quan tư pháp.
 
Theo phapluatplus.vn
.