Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho biết, ngày 11/7 đơn vị đã có báo cáo mới nhất về kết quả quan trắc môi trường nước biển sau vụ nhiều người bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khi tắm biển Đà Nẵng.

Theo báo cáo này,  từ ngày 4 đến 8/7, các đơn vị chức năng đã tiếp tục quan trắc chất lượng nước biển tại 6 vị trí bãi tắm gồm Bãi Rạn, Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Sao Biển, Non Nước. Kết quả cho thấy các chỉ số về nhiệt độ nước biển, pH dao động, nồng độ oxy hòa tan trong nước biển ven bờ, nồng độ chất rắn lơ lửng đều đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép.

leftcenterrightdel
 Một người bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy sau khi tắm biển tại Đà Nẵng.

Đối với mật độ vi sinh vật mức dao động cũng đạt yêu cầu, riêng tại bãi tắm Xuân Thủy với mẫu nước biển vào ngày 5/7, chỉ số này vượt quy chuẩn 1,1 lần.

Ngoài ra, Sở cũng đã gửi mẫu nước biển (mẫu nước lấy ngày 5/7) tới Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy, có xuất hiện tảo sillic trung tâm (loại chiếm ưu thế là Pseudo-nitzschia sp) trong mẫu nước biển. Viện Hải dương học Nha Trang cũng cho biết thêm, đến nay chưa có tài liệu chứng minh các loài này có thể là tác nhân gây ngứa hay dị ứng trên da.

Liên quan tới vấn đề này, chiều cùng ngày, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa XI, nhiều đại biểu cũng đã đặt ra câu hỏi và yêu cầu thành phố giải thích nguyên nhân nước biển gây ngứa và nổi dị ứng mẩn đỏ cho người dân.

Trả lời tại phiên chất vấn, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho biết, ngày 18/6, sau khi có thông tin người dân đi tắm bị ngứa, dị ứng da, cơ quan này đã gửi mẫu nước biển cho các đơn vị chuyên ngành (Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Viện Hải dương học Nha Trang) để phân tích, xác định nguyên nhân...

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức khảo sát các cửa xả ven biển, đồng thời tiến hành lấy mẫu tại khu vực tiếp nhận liên quan các bãi tắm của thành phố. Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, thời gian từ ngày 18-6 đến nay, đặc biệt vào những ngày trời nắng nóng không có tình trạng nước thải từ hệ thống thoát nước tràn ra biển tại các cửa xả, nhất là khu vực biển Đông.

leftcenterrightdel

Mặc dù lo sợ nước biển gây ngứa, nhưng do thời tiết nắng nóng nhiều người vẫn tới các bãi biển Đà Nẵng để tắm. 

Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố được thực hiện với tần suất 1 lần/tháng đối với nước biển ven bờ. Tổng hợp kết quả quan trắc từ tháng 1 đến tháng 6/2018, kết quả ngày 1 đến 5/7 và mới đây nhất từ ngày 4 đến 7/7 tất cả các thông số môi trường cơ bản đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép.

“Sở cũng đã tiến hành tham vấn ngư dân và du khách tắm biển. Nhiều người cho hay, thời gian qua có xuất hiện sao biển và sứa lửa, đây có thể là nguyên nhân chính gây ngứa. Sứa lửa xuất hiện tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, nhất là vào những ngày nắng nóng cao điểm” - ông Nam chia sẻ thêm.

Được biết, có 2 loại sứa biển, gồm sứa thường (còn được dùng làm thực phẩm) và sứa lửa. Khác với sứa thường, sứa lửa gây dị ứng, mẩn đỏ ngoài da. Sau khi bôi các thuốc chống dị ứng thì thường tự khỏi mà không phải nhập viện.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ và những người tiếp xúc vào vùng da nhạy cảm thì tình trạng dị ứng sẽ nặng nề hơn bình thường. Khi quan sát nếu thấy sứa biển thì tốt nhất không xuống tắm phòng nguy cơ chạm vào sứa lửa.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cũng đề nghị, thời tiết đang trong những ngày hè, người dân có nhu cầu tắm biển, làm dịu cơn nóng. Thời gian tới UBND thành phố giao Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng theo dõi cắm biển và cảnh báo cho người dân và du khách hạn chế tắm biển trong thời điểm xuất hiện sứa gây ngứa.

 

Lê tâm